05/09/2011 - 08:32

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel căng thẳng và nỗi lo từ Washington

Ảnh: AFP

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã hoãn tất cả mọi thỏa thuận quân sự với Israel và trục xuất đại sứ nước này khỏi Ankara, đồng thời đổ lỗi Tel Aviv đã làm sụp đổ mối quan hệ từng là đồng minh chiến lược.

Cuối tuần rồi, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (ảnh) cho biết Ankara đang hành động như vậy, vì Israel không chấp nhận xin lỗi về vụ sát hại 8 công dân Thổ Nhĩ Kỳ và một người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ, trong vụ biệt kích Israel ngăn chặn tàu Mavi Marmara chở hàng viện trợ đến Dải Gaza hồi cuối tháng 5 năm rồi. Ông Davutoglu tuyên bố đại sứ quán hai nước sẽ hạ quan hệ ngoại giao xuống mức thấp. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ còn cho biết Ankara sẽ giúp đỡ các nạn nhân Mavi Marmara kiện Israel ra trước tòa án quốc tế và sẽ theo đuổi phiên tòa quốc tế xem xét hành động phong tỏa hàng hải bất hợp pháp của Israel ở Gaza.

Động thái trên của Ankara khiến Washington lo ngại vì Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đều là những đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông. Vài tháng qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã trực tiếp can dự vào tiến trình được gọi là nỗ lực làm lành giữa hai nước đồng minh này. Washington xem Ankara có vai trò ngày càng quan trọng ở Trung Đông, đặc biệt trong bối cảnh biểu tình lật đổ lan rộng khắp khu vực từ đầu năm đến nay. Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý cho phép Mỹ đặt hệ thống radar tối tân ở nước này nhằm giúp chống lại mối đe dọa tên lửa từ Iran. Ankara cũng có những tuyên bố cứng rắn đối với Syrie về việc trấn áp người biểu tình, động thái được xem là đứng về phía Israel. Vì vậy, các quan chức Mỹ lo ngại rằng đổ vỡ quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ – Israel có thể gây phức tạp cho kế hoạch gọi là “xúc tiến chuyển giao dân chủ” của Mỹ ở Syrie, vốn có biên giới giáp với cả hai nước. Mặt khác, Washington cũng lo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giữ vai trò dẫn đầu phong trào ủng hộ Palestine, vốn đang vận động thế giới công nhận nhà nước độc lập tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ) trong tháng này.

Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ có thể còn làm cho Israel ngày càng bị cô lập ở khu vực, nơi những đồng minh cũ của Tel Aviv như cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã bị phế truất. Alon Liel, từng là nhà ngoại giao Israel tại Ankara, cho rằng hành động của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khuyến khích Jordanie và Ai Cập, hai nước Hồi giáo còn lại ở khu vực có quan hệ toàn diện với Israel, đưa ra những động thái tương tự. Hai tuần trước, Cairo đã dọa sẽ rút đại sứ khỏi Tel Aviv, sau khi quân đội Israel tiến hành cuộc tấn công ở biên giới làm ít nhất 3 binh sĩ Ai Cập thiệt mạng.

Ông Liel cho rằng: “Hậu quả rất khó lường, bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ là nước gần gũi nhất với Israel ở Trung Đông và thế giới Hồi giáo trong hai thập niên qua”. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ từng hạ thấp quan hệ ngoại giao với Israel năm 1981, để phản đối Israel thôn tính Đông Jerusalem, nhưng hai nước tái thiết lập quan hệ vào thập niên 1990 và ký một số thỏa thuận quân sự. Theo ông Liel, việc nối lại quan hệ lúc đó diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ bị các nước láng giềng cô lập, vì sắp xảy ra chiến tranh với cả Hy Lạp và Syrie, trong khi quan hệ căng thẳng với Iraq và Iran. Do vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cần sự hỗ trợ khí tài từ Israel. Thế nhưng, quan hệ của Ankara với các nước láng giềng những năm gần đây đã thay đổi rất nhanh và ngành công nghiệp quốc phòng của nước này cũng phát triển mạnh, giảm sự phụ thuộc vào Israel.

Vì thế, không có gì lấy làm ngạc nhiên khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho rằng: “Washington hy vọng Israel và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội cải thiện quan hệ”.

N. MINH (Theo WSJ, Guardian)

Chia sẻ bài viết