Ông Donald Trump, người vừa đắc cử tổng thống Mỹ, từ lâu đã ca ngợi mối quan hệ của mình với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, nếu muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khác ở nhiệm kỳ 2, ông Trump sẽ đối mặt với một nhà lãnh đạo được tiếp thêm sức mạnh nhờ kho tên lửa mở rộng và quan hệ gần gũi hơn với Nga.
Ông Trump và ông Kim Jong-un gặp nhau tại Khu phi quân sự ở biên giới liên Triều năm 2019. Ảnh: AP
Trong nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Trump (2017-2021), ông Kim Jong-un và nhà lãnh đạo Mỹ đã tổ chức 3 hội nghị thượng đỉnh chưa từng có tại Singapore, Hà Nội, biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc vào năm 2018 và 2019. Nhưng cuối cùng đàm phán rơi vào bế tắc và không tạo ra những thay đổi lâu dài ở Bình Nhưỡng. Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden đã không thể thuyết phục hoặc gây sức ép để Triều Tiên quay lại bàn đàm phán.
Kể từ lần cuối ông Trump gặp ông Kim Jong-un, Triều Tiên đã mở rộng đáng kể kho tên lửa đạn đạo liên lục địa, vũ khí siêu vượt âm và tầm ngắn. Những tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân này đủ sức vươn tới Mỹ hoặc các căn cứ quân sự của Washington trong khu vực. Bình Nhưỡng còn được cho là đã mở lại địa điểm thử hạt nhân và sẵn sàng nối lại hoạt động thử nghiệm bất cứ khi nào nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh.
Quan hệ Mát-xcơ-va và Bình Nhưỡng càng thêm sâu sắc kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022. Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Kim Jong-un vào tháng 9-2023, hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ. Sự hợp tác này đã mở rộng vào đầu năm nay khi Nga phủ quyết việc gia hạn hoạt động giám sát các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên. Nga còn cung cấp dầu và các mặt hàng nhập khẩu khác cho Triều Tiên, đồng thời tuyên bố các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng là “hợp pháp”.
Triều Tiên cũng đã ký một hiệp ước phòng thủ chung với Nga và thực hiện bước đi chưa từng có mà phương Tây cho là điều động hàng ngàn binh sĩ để hỗ trợ Mát-xcơ-va trong cuộc chiến ở Ukraine.
Bên cạnh quan hệ Nga - Triều Tiên, sự khó lường của chính quyền mới ở Mỹ cũng góp phần đặt ra thách thức địa chính trị.
Chưa rõ ông Trump sẽ vạch ra lộ trình nào vì những bình luận của ông trong chiến dịch tranh cử tổng thống có thể khác so với khi nhậm chức. Đơn cử như hồi tháng 12-2023, ông Trump đã phủ nhận một thông tin của báo giới rằng bản thân đang cân nhắc một kế hoạch, trong đó Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt và ưu đãi khác.
Phe của ông Trump chưa trả lời về việc liệu ông có theo đuổi các cuộc đối thoại mới với nhà lãnh đạo Triều Tiên hay không. Nhưng các nhà ngoại giao nhận định những bình luận của ông Trump trước đây cho thấy ông có thể sẽ tìm cách hồi sinh cuộc đối thoại với nhà lãnh đạo Kim Jong-un không sớm thì muộn.
“Ông Trump cảm thấy sự tham gia đối thoại của mình trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên đã có hiệu quả, giúp giải quyết được vấn đề hạt nhân của Triều Tiên”, Giáo sư Ramon Pacheco Pardo tại Ðại học Hoàng đế Luân Ðôn (Anh) đánh giá.
Phía Triều Tiên cũng có thể hưởng lợi khi tiếp cận ông Trump. Vào tháng 8 vừa rồi, Triều Tiên tuyên bố sẽ không tham gia đối thoại với Mỹ trừ khi Washington hủy các cuộc tập trận quân sự và triển khai luân phiên các tài sản chiến lược. Ông Trump từng hủy các hoạt động quân sự này lúc còn đương nhiệm vào năm 2018.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)