01/12/2011 - 09:19

Quan hệ Mỹ - Myanmar và chuyến đi lịch sử của bà Clinton

Bà Clinton trên đường đến Myanmar. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang có chuyến thăm lịch sử tại Myanmar với tư cách là quan chức cấp cao nhất của chính quyền Mỹ đến nước này kể từ năm 1955. Đây là một trong những động thái mới nhất của chính quyền Barack Obama nhằm tăng cường ảnh hưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhiều nguồn tin cho biết cựu đệ nhất phu nhân Mỹ đã tới Thủ đô Naypyitaw từ ngày 30-11 để hôm nay bà sẽ lần lượt có các cuộc gặp với một số nghị sĩ Quốc hội Myanmar, Ngoại trưởng Wunna Maung Lwin và Tổng thống Thein Sein. Vào ngày cuối cùng 2-12, bà Clinton sẽ đến thành phố Yangon gặp nữ thủ lĩnh phe đối lập Aung San Suu Kyi và một số đại diện của các tổ chức dân sự, bộ tộc thiểu số, cũng như thăm những địa điểm ngoài dự kiến khác.

Giới phân tích cho rằng đây được coi là chuyến đi kiểm chứng của chính quyền Mỹ về các bước tiến cải cách của chính quyền Tổng thống Thein Sein và qua đó Nhà Trắng có thể thuyết phục Quốc hội Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận chống Myanmar. Trước bà Clinton, từ 3 tháng năm nay, chính quyền Obama đã 3 lần cử đặc phái viên đến Myanmar và một lần cử nhà ngoại giao phụ trách các vấn đề nhân quyền sang làm việc ở nước này.

Tuy nhiên, khi thông báo sang thăm Myanmar, bà Clinton đã tuyên bố Washington sẵn sàng trở thành một đối tác của Naypyitaw chỉ khi chính quyền dân sự được quân đội hậu thuẫn ở Myanmar thực hiện các biện pháp cải cách chính trị sâu rộng như cam kết. Bà nói rằng Mỹ muốn thấy Myanmar phóng thích nhiều hơn nữa tù nhân chính trị, theo đuổi tiến trình đối thoại chính trị và bầu cử tự do thực sự, chấm dứt xung đột với các dân tộc thiểu số. Bà nhấn mạnh Mỹ chưa có bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính chống Myanmar.

Nhưng theo các nhà phân tích, nếu Mỹ không nhanh chóng xóa bỏ hoặc ít ra là nới lỏng lệnh cấm vận chống Myanmar, Washington sẽ mất phần trong cuộc đua với nhiều cường quốc khác, trong đó có Trung Quốc, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với quốc gia châu Á này. Mỹ đã gia tăng các biện pháp trừng phạt chống Myanmar từ năm 1988 vì cáo buộc nước này mạnh tay trấn áp làm chết 3.000 sinh viên biểu tình. Cuộc bầu cử năm 1990 được cho là mang lại chiến thắng của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ do bà Suu Kyi lãnh đạo nhưng không được chính quyền quân đội Myanmar thời đó công nhận.

Bất chấp các biện pháp cấm vận của Mỹ, nhiều nước vẫn tăng cường quan hệ với Myanmar. Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan đã đầu tư hơn 25 tỉ USD vào Myanmar trên các lĩnh vực cảng biển, nhà máy điện và đường ống dầu khí nhằm tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có và vị trí chiến lược của nước này trên Ấn Độ Dương. Hơn 86% tổng vốn đầu tư nước ngoài trị giá hàng chục tỉ USD tập trung vào lĩnh vực điện, quặng mỏ và dầu khí của Myanmar. Trung Quốc có hơn 12 tỉ USD vốn đăng ký đầu tư tại Myanmar. Ngoài dầu khí, Myanmar còn có trữ lượng lớn ngọc bích, thiếc, kẽm, than, đồng... Myanmar từng là nhà xuất khẩu lúa gạo đứng đầu thế giới và có tiềm năng phát triển thủy hải sản. Tuy thu nhập bình quân trên đầu người ở Myanmar gần như thấp nhất châu Á, nhưng đây là thị trường tiêu dùng của 64 triệu người phụ thuộc phần lớn vào hàng hóa nhập khẩu.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết