10/12/2023 - 08:46

Quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia bước sang giai đoạn phát triển mới 

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet, Thủ tướng Vương quốc Campuchia thăm chính thức Việt Nam ngày 11 và 12-12. Chuyến thăm lần này có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục thắt chặt và tăng cường hơn nữa quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác hiệu quả, tôn trọng lợi ích của nhau, đưa quan hệ Việt Nam - Campuchia lên tầm cao mới.

Quan hệ hữu nghị truyền thống phát triển tốt đẹp

Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng có nhiều điểm tương đồng, nhân dân hai nước là anh em gắn bó, chia ngọt, sẻ bùi, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Hun Manet tại Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh diễn ra ở Saudi Arabia hồi tháng 10-2023. Ảnh: TTXVN

Ngày 24-6-1967, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là sự kiện trọng đại, đánh dấu trang sử mới trong quan hệ hai nước. Những năm tháng sau đó, nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia tiếp tục kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dành cho nhau sự ủng hộ quý báu và  cùng giành thắng lợi lịch sử vào mùa Xuân năm 1975.

Khi dân tộc Campuchia đứng trước thảm họa diệt chủng Pol Pot, Việt Nam đã sát cánh cùng các lực lượng yêu nước, nhân dân Campuchia, làm nên chiến thắng ngày 7-1-1979, giải phóng đất nước và nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt vong. Với thắng lợi lịch sử 7-1-1979, nhân dân Campuchia đã khép lại trang sử đen tối, thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc và mở ra kỷ nguyên độc lập, hòa bình, tự do và phát triển cho đất nước Campuchia; đồng thời hồi sinh tình hữu nghị Campuchia - Việt Nam, vốn bị chế độ diệt chủng Pol Pot hủy diệt trong thời kỳ chế độ này cầm quyền (17/4/1975 - 6/1/1979), mở ra thời kỳ mới cho quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Campuchia phát triển gắn bó, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.

Ngày nay, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục được tiếp thêm sức mạnh từ những truyền thống vốn có từ lâu đời trong lịch sử. Quan hệ Việt Nam - Campuchia đã và đang được củng cố và phát triển vững chắc theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

Những năm qua, quan hệ Việt Nam - Campuchia phát triển tốt đẹp trên nhiều mặt. Quan hệ chính trị được tăng cường, lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì hoạt động thăm, tiếp xúc và trao đổi dưới nhiều hình thức. Lãnh đạo hai bên thường xuyên điện đàm, hội đàm trực tuyến. Hai bên phối hợp tổ chức thành công các cơ chế hợp tác song phương quan trọng.

Ngoài ra, hợp tác quốc phòng, an ninh và biên giới giữa hai nước tiếp tục được thúc đẩy, ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội và phát triển ở mỗi nước. Hai nước đã hoàn thành phân giới cắm mốc được 84% đường biên giới trên thực địa và đã ký 2 văn kiện pháp lý ngày 5-10-2019 ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc đã đạt được. Ngày 22-12-2020, hai nước đã phối hợp tổ chức Lễ trao đổi Văn kiện Phê chuẩn theo hình thức trực tuyến để hai văn kiện pháp lý về biên giới chính thức có hiệu lực.

Việt Nam và Campuchia hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ hợp tác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên Hiệp Quốc và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mê Công, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới…

Tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện

Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước cũng không ngừng được thúc đẩy, tạo nền tảng quan trọng trong việc củng cố và phát triển quan hệ hai nước. Hoạt động hợp tác thương mại giữa hai nước được xúc tiến tích cực bằng nhiều hoạt động của diễn đàn doanh nghiệp, hội chợ triển lãm, mở khu kinh tế cửa khẩu; xây dựng hành lang pháp lý, kết cấu hạ tầng phục vụ thương mại ngày càng gia tăng giữa hai bên. Theo đó, Việt Nam hiện duy trì là đối tác thương mại lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Mỹ) và là đối tác lớn nhất của Campuchia trong ASEAN. Năm 2021, mặc dù chịu khó khăn do đại dịch COVID-19, thương mại giữa hai nước vẫn tăng trưởng mạnh, đạt 9,5 tỉ USD; năm 2022 đạt 10,6 tỉ USD; 10 tháng năm 2023 đạt 7,1 tỉ USD.

Về đầu tư, đến nay Việt Nam có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỉ USD, đứng đầu ASEAN và trong nhóm 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia, đồng thời đứng thứ 2 trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư.

Trong năm 2023, trao đổi du lịch giữa hai nước cũng có bước tăng trưởng nổi bật. Trong 10 tháng năm 2023, số lượng khách du lịch Việt Nam đến thăm Campuchia đạt trên 880.000 người, trong khi khách Campuchia sang thăm Việt Nam đạt trên 300.000 người. Theo Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng, hai bên vẫn còn nhiều dư địa, lĩnh vực tiềm năng có thể hợp tác như khai thác các hình thái du lịch đa dạng như du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch y tế, cũng như kết nối các tuyến du lịch giữa các điểm đến, danh lam thắng cảnh của hai nước theo phương châm “Một hành trình hai nước đến” hoặc “Một hành trình ba nước đến” giữa Việt Nam, Campuchia và Lào. Cùng với đó là tiềm năng trong các lĩnh lực phát triển kinh tế xanh - sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, nông nghiệp thông minh...  

Hợp tác giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội, du lịch, giao lưu nhân dân… tiếp tục được quan tâm thúc đẩy; quan hệ hợp tác giữa các tỉnh có chung biên giới được coi trọng.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet, Thủ tướng Vương quốc Campuchia ngày 11 và 12-12 có ý nghĩa quan trọng, là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Hun Manet kể từ khi Campuchia thành lập Chính phủ mới vào tháng 8-2023. Chuyến thăm góp phần củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả hơn trên tất cả các mặt chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, thương mại biên giới, đầu tư, lao động, giáo dục, giao lưu nhân dân… đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

TRỌNG ĐỨC (TTXVN)

Chia sẻ bài viết