05/06/2019 - 23:17

Quan hệ đồng cảm Nga-Trung 

Chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga, từ ngày 5 đến 7-6, được kỳ vọng mở ra kỷ nguyên mới cho mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong bối cảnh cả hai đang chịu áp lực chiến tranh thương mại và cấm vận từ Mỹ. 

Tổng thống Putin (trái) và Chủ tịch Tập trong cuộc gặp tại Bắc Kinh tháng 4-2019. Ảnh: AFP

Tổng thống Putin (trái) và Chủ tịch Tập trong cuộc gặp tại Bắc Kinh tháng 4-2019. Ảnh: AFP

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS và Rossiyskaza Gazeta của Nga hôm 4-6 trước khi lên đường sang Mát-xcơ-va, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, trong vòng 6 năm qua kể từ khi lên nắm quyền, ông đã 7 lần sang thăm Nga. Trong đó, ông đã chọn Nga là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước năm 2013. “Tôi có sự tương tác gần gũi với Tổng thống Putin hơn bất kỳ người đồng cấp nước ngoài nào. Ông ấy là người bạn đồng cảm tốt nhất của tôi” – Chủ tịch Tập nói về mối quan hệ thân tình giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời tuyên bố “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Trung đang trong giai đoạn tốt nhất trong lịch sử”. 

Nâng cao vị thế cho nhau

Ông Yury Ushakov, trợ lý chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, cho hay phái đoàn cấp cao Trung Quốc mang theo món quà là 2 con gấu trúc tặng cho thảo cấm viên Mát-xcơ-va. Ông Ushakov cho rằng gấu trúc là một biểu tượng của Trung Quốc nên hành động này mang ý nghĩa rất quan trọng cho quan hệ hai nước. Trong chuyến thăm đánh dấu cột mốc lịch sử quan hệ song phương lần này của ông Tập, lãnh đạo hai nước sẽ ra tuyên bố chung “đối tác  toàn cầu và hợp tác chiến lược trong kỷ nguyên mới”, theo ông Ushakov. 

Tại Mát-xcơ-va, ngoài các cuộc gặp cấp cao, Chủ tịch Tập còn tham dự lễ kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nga-Trung. Sự kiện này giúp ôn lại lịch sử quan hệ và từ đó định hướng cho tương lai hai nước. 

Đặc biệt, ông Tập sẽ lần đầu tiên tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg. Báo chí Nga cho rằng sự hiện diện của ông Tập làm gia tăng vị thế của diễn đàn này, bởi Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Về phần mình, Tổng thống Putin đã thừa nhận những thành tựu kinh tế vượt bậc của Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) diễn ra ở Bắc Kinh hồi tháng 4-2019. Tại đây, ông Putin tuyên bố quan hệ Nga-Trung đã đạt đến “mức độ chưa từng có” và gọi “Vành đai, Con đường” là “một sang kiến cực kỳ quan trọng”. Ông đồng thời kêu gọi sự hợp tác giữa BRI và Liên minh kinh tế Âu-Á do Nga nắm vai trò chi phối. Theo The Moscow Times, động thái này của ông Putin khác xa với sự thờ ơ trong lần thượng đỉnh đầu tiên của BRI tại Bắc Kinh trước đó 2 năm. 

Gắn kết trả đũa Mỹ

Theo The Moscow Times, sau 6 năm phớt lờ đề xuất của nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Putin đã âm thầm phê chuẩn dự án đầu tiên có liên quan đến BRI, đó là đường cao tốc dài khoảng 2.000km từ tỉnh Orenburg của Nga nằm ở biên giới giáp Kazakhstan nối với đường cao tốc hiện hữu giữa Mát-xcơ-va và thủ đô Minsk của Belarus. Con đường này sẽ giúp vận tải hàng hóa giữa phía Tây Trung Quốc và Trung Âu trở nên nhanh hơn.

BRI đến nay đã được 125 nước ký kết tham gia nhưng vẫn bị Mỹ và đa số các nước châu Âu phản ứng. Tuy nhiên, sự tham gia của Nga, nước có đường biên giới dài 4.000km với Trung Quốc, sẽ tạo thuận lợi cho BRI vươn xa. 

Diễn đàn ở St. Peterburg có thể là dịp để Tổng thống Putin lên án các biện pháp cấm vận chống Nga của Mỹ và châu Âu liên quan đến vấn đề Ukraine. Chủ tịch Tập thì có thể chỉ trích chính sách tăng thuế của Mỹ. Diễn đàn đồng thời tạo cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại giữa các nước. Trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ và phương Tây, kim ngạch thương mại  song phương giữa Nga và Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục, lên đến 108 tỉ USD năm 2018, tăng hơn 27% so với năm 2017. Nga và Trung Quốc dự kiến ký kết khoảng 30 thỏa thuận kinh tế, thương mại nhân chuyến thăm của ông Tập. 

Giới phân tích cho rằng chính sách thương mại không thân thiện của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khiến Trung Quốc tăng cường quan hệ kinh tế với Nga, đất nước láng giềng được coi là quan trọng nhất của Bắc Kinh. Mà không chỉ về kinh tế, thương mại, Trung Quốc có thể đứng về phía Nga trong nhiều vấn đề quốc tế, qua đó trả đũa và hạ thấp vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong những điểm nóng an ninh như Syria, Iran, Triều Tiên, Israel-Palestine, Venezuela. Mới đây, Trung Quốc đã nối gót Nga tuyên bố tẩy chay hội nghị hòa bình quốc tế về Trung Đông sẽ được Mỹ tổ chức tại Bahrain trong tháng này.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết