22/09/2021 - 22:20

Quân đội Trung Quốc “lấn sân” ngoại giao 

Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã tách khỏi học thuyết “ẩn mình chờ thời” để theo đuổi “giấc mộng Trung Hoa”. Và quân đội Trung Quốc đã không đứng ngoài cuộc.

Lô hàng viện trợ được PLA chuyển đến Uzbekistan. Ảnh: Reuters

Lô hàng viện trợ được PLA chuyển đến Uzbekistan. Ảnh: Reuters

Khi đại dịch COVID-19 quét qua Iran hồi tháng 3 năm ngoái, cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người - gồm cả chỉ huy cấp cao Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã được Tehran tìm đến cậy nhờ hỗ trợ. Kết quả là hàng loạt bộ dụng cụ xét nghiệm SARS-CoV-2, thiết bị bảo vệ cá nhân và khẩu trang đã được PLA chuyển đến quốc gia Hồi giáo này.

Đến tháng 2 năm nay, PLA cũng đã bắt đầu tài trợ vaccine COVID-19 cho các đối tác nước ngoài. Theo đó, các lực lượng vũ trang Campuchia nhận được 300.000 liều; quân đội Sierra Leone nhận được 40.000 liều và lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc được tặng 300.000 liều. Theo tờ Guardian, PLA không ngại công khai thành tích ngoại giao của mình, xem đây là bằng chứng cho thấy lực lượng này đã giúp Trung Quốc trở thành quốc gia “gánh vác trách nhiệm”.

Trong lịch sử, PLA trong một thời gian dài giữ vai trò mờ nhạt trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Nhưng kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền cách đây gần một thập kỷ, PLA đã chuyển từ học thuyết “ẩn mình chờ thời” sang thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”. Năm 2015, ông Tập đã thúc giục PLA đóng vai trò nổi bật hơn trong việc hỗ trợ chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Thế là, PLA trong năm đó đã cử một đội gồm 163 chuyên gia y tế đến Liberia để hỗ trợ nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh Ebola tại quốc gia Tây Phi này.

Theo Meia Nouwens, thành viên cấp cao về chính sách quốc phòng và hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Luân Đôn (Anh), kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, vai trò của PLA được mở rộng đáng kể để phục vụ cả các mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh. Theo đó, PLA tích cực hỗ trợ các đối tác nước ngoài trong cuộc chiến chống lại virus Corona. Theo Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ), PLA đã cung cấp viện trợ y tế cho hơn 50 đối tác quân sự kể từ đầu năm 2020.

Mặt khác, vai trò ngoại giao của PLA còn được thể hiện qua việc lực lượng này được hiện đại hóa. Vào cuối năm nay, Bắc Kinh sẽ tăng 6,8% chi tiêu quốc phòng, lên mức lên 1.350 tỉ nhân dân tệ (tương đương 208 tỉ USD). Trong vài năm gần đây, ông Tập cũng đã nêu rõ “giấc mộng về một lực lượng vũ trang hùng mạnh”. Theo đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn hiện đại hóa quân đội vào năm 2035, giúp PLA đạt “đẳng cấp thế giới” vào giữa thế kỷ này để có thể đứng ngang hàng với quân đội Mỹ. Dù tổng chi tiêu quân sự của Bắc Kinh vẫn chưa bằng 1/3 của Washington, nhưng Trung Quốc lại là nước chi tiêu quân sự lớn nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Tôi lo ngại rằng Trung Quốc đang tăng tốc tham vọng thay thế Mỹ và vai trò lãnh đạo của chúng ta trong trật tự quốc tế dựa trên luật lệ vào năm 2050. Và tôi nghĩ rằng mối đe dọa đó đang thể hiện trong suốt thập kỷ này, rõ hơn là trong vòng 6 năm tới” - Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, bày tỏ.

Có lẽ thách thức lớn nhất đối với PLA là phải tiếp thu công nghệ mới nhất cũng như tuyển dụng hay chuẩn bị nhân sự để chiến đấu hiệu quả bằng thiết bị công nghệ cao. Song, Bắc Kinh hiểu rõ điểm yếu của mình và đang nỗ lực để cải thiện. Trong vài năm gần đây, Trung Quốc tăng cường huấn luyện quân sự, đồng thời tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên hơn với các đối tác, chẳng hạn như Nga. Đơn cử, khoảng 10.000 binh sĩ Trung Quốc và Nga hồi đầu tháng 8 đã tham gia cuộc tập trận chung để thử nghiệm một số vũ khí mới nhất của PLA. 

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết