14/02/2011 - 09:02

AI CẬP THỜI HẬU MUBARAK

Quân đội cam kết thực thi tiến trình dân chủ

Quân đội Ai Cập “hòa chung” dòng người mừng sự kiện Tổng thống Mubarak từ chức. Ảnh: AP

Sau khi tiếp quản quyền điều hành đất nước từ tay Tổng thống Hosni Mubarak, Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập đã cam kết thực hiện quá trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình, xây dựng xã hội dân chủ, tự do và minh bạch, đồng thời tôn trọng các thỏa thuận quốc tế đã ký kết, đặc biệt là hiệp ước hòa bình với Israel.

Dù trước khi ông Mubarak trốn khỏi Thủ đô Cairo, quân đội Ai Cập vẫn tỏ thái độ mập mờ, nhưng những tuyên bố không nổ súng vào người biểu tình và ủng hộ các nguyện vọng chính đáng của nhân dân đã thể hiện lập trường của họ như là thiết chế giữ gìn sự ổn định và trung gian giữa bộ máy quyền lực đang suy yếu với cuộc nổi dậy của dân chúng. Quân đội hơn 480.000 binh sĩ của Ai Cập được dư luận đánh giá là thiết chế được tôn trọng nhất và là một trong những ngành ít tham nhũng nhất ở xứ sở kim tự tháp. Từ khi chế độ quân chủ bị lật đổ năm 1952 đến nay, chỉ có người của quân đội Ai Cập mới lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, kể cả Tổng thống vừa từ chức Mubarak. Qua hai cuộc chiến chống Israel năm 1967 và 1973, quân đội Ai Cập luôn hiện thân là lực lượng hùng mạnh và yêu nước dưới mắt đa số công chúng.

Quân đội Ai Cập cũng được coi là hùng mạnh nhất trong thế giới A-rập và lớn thứ 10 thế giới. Ngoài số binh sĩ tại ngũ kể trên, quân đội Ai Cập còn có 254.000 quân dự bị và hơn 450.000 người thuộc lực lượng bán vũ trang. Ngân sách hàng năm của quân đội tuy chưa vượt qua 4 tỉ USD, nhưng chiếm gần 2,2% GDP của đất nước và chưa bao gồm gói viện trợ quân sự trị giá 1,3 tỉ USD/năm của Mỹ dành để trang bị vũ khí và huấn luyện binh sĩ. Tính từ khi Ai Cập ký hiệp ước hòa bình với Israel năm 1979 với sự ủng hộ của Mỹ đến nay, quân đội nước này đã nhận được 40 tỉ USD viện trợ quân sự từ Washington. Ngoài ra, theo các nhà quan sát, quân đội Ai Cập cũng thường xuyên nhận được hỗ trợ đáng kể từ Nga, Pháp. Và quan trọng hơn, quân đội Ai Cập không chỉ phát triển ngành công nghiệp quốc phòng mà còn tham gia sâu rộng vào hầu như tất cả các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch. Năm 2008, khi Ai Cập lâm vào cuộc khủng hoảng lương thực, Tổng thống Mubarak phải nhờ tới vai trò bình ổn thị trường của quân đội. Không có thống kê chính thức nào, song theo các nhà phân tích, quân đội Ai Cập có thể kiểm soát từ 15-20% GDP trị giá hơn 215 tỉ USD ở nước này.

Chính vì vị thế siêu mạnh của quân đội, các chuyên gia quốc tế cho rằng bất kỳ đảng phái chính trị và nhân vật nào muốn lên nắm quyền đất nước đều phải cần tới sự hậu thuẫn tuyệt đối của Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập, và ngược lại, họ phải đảm bảo các quyền lợi của giới quân sự.

Nhưng để tạo dựng lòng tin nhân dân, quân đội Ai Cập đang đứng trước nhiều sức ép phải thực hiện, trong đó quan trọng nhất là cuộc đối thoại với các thủ lĩnh phe biểu tình nhằm tiến tới xóa bỏ luật tình trạng khẩn cấp, sửa đổi hiến pháp, sớm tổ chức bầu cử tự do và minh bạch. Trấn an giới đầu tư, thương mại, dịch vụ du lịch và các đối tác quốc tế cũng là nhiệm vụ hàng đầu. Theo các hãng tin nước ngoài tại Cairo, các nhà lãnh đạo phe biểu tình đã tuyên bố tạm ngừng biểu tình và nhiều công nhân viên các ngành dịch vụ đã trở lại làm việc ngay trong ngày 12-2. Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đã lên tiếng hoan nghênh các tuyên bố đầu tiên của quân đội Ai Cập.

PHÚC GIA AN
(Theo Le Figaro, TTXVN)

Quân đội Ai Cập “hòa chung” dòng người mừng sự kiện Tổng thống Mubarak từ chức. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết