10/06/2023 - 09:49

Quán ăn dành riêng cho phụ nữ ở Afghanistan 

NGUYỆT CÁT (Theo NPR)

Bên cạnh một con đường đông đúc ở Kabul, mùi thơm của bolani - loại bánh mì dẹt nhồi rau truyền thống của Afghanistan - tỏa ra từ một quán ăn được dựng lên và trang trí bằng những vật liệu đơn sơ. Tuy nhiên, điều đặc biệt của quán ăn có tên “Banowan-e-Afghan” này là nó chỉ dành riêng cho phụ nữ, cả người quản lý và nhân viên phục vụ cũng đều là phụ nữ. 

Các nữ thực khách đang chờ được phục vụ bên trong quán ăn Banowan-e-Afghan.

Quán ăn Banowan-e-Afghan (trong tiếng Ba Tư nghĩa là “Những quý cô Afghanistan”) được khai trương hồi tháng 3 và nhanh chóng thu hút khách hàng chỉ sau vài ngày mở cửa. Ðội ngũ nhân viên tại đây có độ tuổi từ 20 đến 40 và đa số họ đều có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người là góa phụ và là trụ cột trong gia đình. Cô Samira Muhammadi (31 tuổi), chủ nhà hàng, cho biết: “Tôi nghĩ những phụ nữ dễ bị tổn thương này nên có một nguồn thu nhập. Có một người phải một mình nuôi 6 đứa con vì chồng đã qua đời. Cô ấy không còn cách nào khác để kiếm tiền trang trải cuộc sống cho gia đình”. Muhammadi nói rằng việc có một đội ngũ nhân viên phục vụ toàn nữ sẽ tạo nên sự khác biệt và giúp khách nữ cảm thấy thoải mái.

Ðược biết, phụ nữ Afghanistan vốn không có nhiều cơ hội để quyết định số phận của chính họ. Kể từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước, chính quyền Taliban đã hạn chế quyền được đi học của phụ nữ và trẻ em gái, không cho họ học trung học và đại học. Hồi tháng 12-2022, Taliban cấm phụ nữ làm việc cho các tổ chức phi chính phủ và gần đây là cấm họ làm việc cho Liên Hiệp Quốc (LHQ). Ðộng thái này dấy lên lo ngại Afghanistan khó tiếp cận các nguồn viện trợ trong tương lai, giữa lúc 2/3 dân số nước này đang cần “hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp”.

Ngay cả trước khi Taliban trở lại kiểm soát Afghanistan, cuộc sống của phụ nữ Afghanistan cũng đã bị kiểm soát chặt chẽ, nhiều người thậm chí không được phép ra ngoài làm việc. “Một số gia đình không muốn phụ nữ trong gia đình họ làm việc chung với những người đàn ông không cùng quan hệ huyết thống. Ở một số vùng nông thôn, phụ nữ không được phép ra khỏi nhà nếu không có chồng hoặc người thân là nam giới đi cùng. Ðiều này hạn chế các lựa chọn công việc của họ” - bà Roxanna Shapour, một nhà nghiên cứu của Mạng lưới các nhà phân tích Afghanistan, giải thích.

Dưới sự quản lý và kiểm soát khắt khe, việc phụ nữ đến nhà hàng hay quán ăn một mình cũng là chuyện hiếm thấy, vì sợ bị đàn ông quấy rối. Do vậy, mô hình nhà hàng hay quán ăn toàn tuyển dụng phụ nữ và chuyên phục vụ phụ nữ được cho sẽ giúp lấp đầy một phân khúc thị trường quan trọng tại Afghanistan. Tại quán Banowan-e-Afghan, tuy nam giới vẫn có thể gọi món ăn mang đi, nhưng chỉ khách nữ mới được phép vào trong quán.

Theo chuyên gia Shapour, việc thiết lập những mô hình giống như Banowan-e-Afghan cũng rất quan trọng đối với những phụ nữ đang chật vật kiếm tiền xoay xở phí thuê nhà và mua thực phẩm cho gia đình. “Nó không chỉ quan trọng đối với những phụ nữ làm việc ở đây, mà còn mang đến không gian để phụ nữ tụ họp và giao lưu bên ngoài gia đình. Khi khả năng tiếp cận đời sống công cộng của phụ nữ bị thu hẹp lại, bất kỳ động thái nào giúp mở rộng không gian giao tiếp cho phụ nữ đều vô cùng quan trọng” - bà Shapour nói thêm.

Thực tế, vấn đề kinh tế đối với phụ nữ ở Afghanistan từ lâu vốn đã bấp bênh. Bản thân Muhammadi - người xuất thân trong một gia đình khá giả - cũng phải đối mặt với những căng thẳng về tài chính sau khi chồng mất việc và hai vợ chồng không đủ tiền thuê nhà trong khi đang nuôi 3 con nhỏ. Kinh nghiệm bản thân khiến cô muốn giúp đỡ những phụ nữ khác đang gặp khó khăn và may mắn là công việc kinh doanh hiện tại ổn định, cho phép cô dạy may quần áo miễn phí cho hàng trăm phụ nữ.

Nếu nhà hàng kinh doanh tốt, Muhammadi dự định sẽ thuê thêm nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và trả lương cao hơn. Cô cũng mong muốn mở rộng không gian của quán và hy vọng sẽ tổ chức các buổi triển lãm đồ thủ công mỹ nghệ do phụ nữ làm ra. “Tại đây, khách hàng có thể mua quần áo hoặc đồ trang sức trực tiếp từ những phụ nữ đã làm ra chúng” - Muhammadi nói về kế hoạch của mình.

Chia sẻ bài viết