Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo “kỷ nguyên ấm lên toàn cầu đã kết thúc, thời đại sôi sục toàn cầu đã đến”. Minh chứng rõ nét cho sự thay đổi này là những đợt nắng nóng kinh hoàng bao trùm khắp thế giới trong mùa hè, để rồi năm 2023 chính thức trở thành năm ấm nhất lịch sử loài người.

Lính cứu hỏa Hy Lạp chiến đấu với cháy rừng. Ảnh: Reuters
Theo báo cáo của Cơ quan Biến đổi Khí hậu (C3S) thuộc Liên minh châu Âu, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong các tháng 6, 7 và 8 là 16,77 độ C, vượt kỷ lục trước đó là 16,48 độ C vào năm 2019. Ba tháng này là giai đoạn ấm nhất trong gần 120.000 năm, tức gần như toàn bộ lịch sử tồn tại loài người.
Nắng nóng khắp nơi
Nhiệt độ ở khu vực Nam Âu rục rịch tăng cao vào đầu tháng 7 gây ra nhiều xáo trộn, thảm họa. Anh ghi nhận kỷ lục 40,3 độ C, khiến nước này lần đầu phải đưa ra báo động đỏ và cho dừng hàng loạt phương tiện giao thông công cộng. Pháp cũng ghi nhận nhiệt độ kỷ lục trên 40 độ C.
Nhiệt độ cao tạo điều kiện cho nhiều đám cháy rừng bùng lên, thiêu rụi hàng chục ngàn héc-ta rừng ở các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp. Đợt sóng nhiệt còn tiến về phía Đông, gây áp lực lên lực lượng cứu hỏa của Ý, Slovenia và Hy Lạp. Đám cháy tại Hy Lạp là vụ cháy rừng lớn nhất lịch sử châu Âu, tàn phá một khu vực rộng 77.000ha.
Do châu Âu có khí hậu ôn hòa, nhiều gia đình, doanh nghiệp và ngay cả phương tiện công cộng không có điều hòa không khí. Dân châu Âu cũng ít thích nghi với nhiệt độ khắc nghiệt hơn so với người sống ở vùng khí hậu ấm. Đây là lý lo các đợt sóng nhiệt thường nguy hiểm chết người tại những vùng khí hậu mát mẻ. Chỉ trong 2 tuần của tháng 7-2023, có hơn 1.700 người tử vong vì nắng nóng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Đức năm qua ghi nhận hơn 3.100 ca tử vong với lý do tương tự.
Tại Mỹ, bang Texas bị thiêu đốt trong đợt nắng nóng cuối tháng 6 với nhiệt độ lên tới 48 độ C. Số ca tử vong vì nắng nóng ở Phoenix, thủ phủ bang Arizona, tăng 50% trong năm 2023, trở thành năm chết chóc nhất sau khi nhiệt độ cao tấn công dồn dập thành phố nóng nhất xứ cờ hoa.
Nắng “siêu nóng” không chỉ là nguyên nhân liên quan thời tiết gây chết người số một ở Mỹ, mà nó còn khiến hạn hán trầm trọng hơn bằng cách đẩy nhanh quá trình bốc hơi nước bề mặt của đất. Hạn hán cũng làm tăng 80% nguy cơ cháy rừng, theo Hiệp hội Địa vật lý Mỹ.
Thực tế, Mỹ đã phải hứng chịu thảm họa cháy rừng chết chóc nhất trong hơn 100 năm. Trong vụ cháy rừng tại đảo Maui của bang Hawaii hồi tháng 8, ít nhất 115 người đã thiệt mạng, trên 800ha rừng bị thiêu rụi, thành phố lịch sử Lahaina hoàn toàn biến mất khỏi bản đồ, với tổng thiệt hại 6 tỉ USD. Nghiên cứu phát hiện nắng nóng cực đoan làm “bốc hơi” kinh tế Mỹ 100 tỉ USD/năm và sẽ tăng lên 500 tỉ USD/năm đến giữa thế kỷ này.
Ở phía Bắc, quốc gia láng giềng Canada cũng trải qua mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong năm 2023, với 18 triệu héc-ta rừng bị thiêu rụi trong 6.400 vụ cháy lớn nhỏ.
Tại châu Á, Bangladesh hứng đợt nắng nóng nhất trong 50 năm. Thái Lan ghi nhận ngày nóng kỷ lục là 45,4 độ C, còn kỷ lục nắng nóng ở Việt Nam cũng bị phá vỡ với mức nhiệt 44,2 độ C tại huyện Tương Dương của tỉnh Nghệ An vào đầu tháng 5.
Công ty bảo hiểm Allianz Trade ước tính những đợt nắng nóng có thể làm giảm gần 0,6 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023.
|
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), El Nino sẽ tiếp tục gia tăng tác động, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan kéo dài đến tháng 4-2024. Trong 5 năm tiếp theo, có 98% khả năng một trong các năm này sẽ là năm nóng kỷ lục. Một báo cáo dự đoán số ca tử vong do nắng nóng sẽ tăng 370% vào năm 2050, nếu nền nhiệt trung bình của Trái đất cao hơn 2 độ C. Theo C3S, tháng 11-2023 đã phá kỷ lục nóng nhất trong tháng 11 trước đây, đẩy nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,46 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (giai đoạn 1850-1900).
|
|
Hành tinh xanh “khát nước”
Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cuối năm ngoái công bố báo cáo cho thấy có 347 triệu trẻ em phải chịu cảnh khan hiếm nước ở mức độ cao hoặc cực kỳ cao tại Nam Á, cao nhất trong số mọi khu vực trên thế giới. Tài liệu đề cập các vấn đề chất lượng nước kém, thiếu nước và quản lý yếu kém như khai thác quá mức các tầng ngậm nước, trong khi biến đổi khí hậu làm giảm lượng nước bổ sung.

Cấp cứu một bệnh nhân bị sốc nhiệt do nắng nóng ở Tây Ban Nha trong hè 2023. Ảnh: Getty Images
Trên phạm vi toàn cầu, có đến phân nửa dân số hành tinh, tương đương 4 tỉ người, đối diện tình trạng “căng thẳng cao” về nước ít nhất một tháng mỗi năm, theo Viện Tài nguyên Thế giới (WRI).
Để ứng phó với các đợt hạn hán tăng cường, nhiều quốc gia như Ấn Độ, Mexico, Iran, Nam Phi đã áp dụng chính sách cắt nước tại một số địa phương. Ở Singapore và thành phố Las Vegas của Mỹ, giới chức trách tiết kiệm nước bằng cách khử muối hoặc xử lý và tái sử dụng nước thải.
Tuy nhiên, trên đây chỉ là những biện pháp mang tính tạm thời. Về lâu dài, các chính phủ cần tập trung chống biến đổi khí hậu quyết liệt hơn. Giới khoa học nhất trí chiến lược tốt nhất để giảm tình trạng nóng lên toàn cầu là ngăn chặn sự tích tụ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển. Tuy nhiên, LHQ lưu ý rằng với những cam kết hiện nay thì đến năm 2030 sẽ chỉ giảm được 2% lượng khí thải carbon toàn cầu so với năm 2019. Điều này kém xa mục tiêu giảm 43% để khống chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp như cam kết trong Thỏa thuận Paris.
|
Theo Hãng tin Belga của Bỉ, các công trình nghiên cứu mới đây cho thấy hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây thiệt hại trung bình cho nền kinh tế toàn cầu mỗi năm là 143 tỉ USD. Đây vẫn chưa phải là mức đánh giá đầy đủ vì hầu như không có dữ liệu về tổn thất liên quan đến thảm họa thiên tai ở các nước nghèo. Còn theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn 2011-2022, thiệt hại về kinh tế do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tại Việt Nam lên tới hơn 10 tỉ USD.
|
|
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)