11/11/2019 - 10:14

Quả đấm thép chống khủng bố của Nga 

Nếu được yêu cầu kể tên một đơn vị chống khủng bố ở Nga, hầu hết mọi người đều có thể nghĩ về lực lượng “Alpha” của Tổng cục An ninh Liên bang. Alpha từng tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng hiến pháp năm 1993, vụ bao vây nhà hát Dubrovka, cuộc khủng hoảng con tin trường học Beslan năm 2004, cũng như được huy động xử lý những vụ việc lớn và nhạy cảm khác. Song, Alpha không đối phó với vấn đề khủng bố ở Nga. Thay vào đó, trách nhiệm này thuộc về Lực lượng đặc nhiệm phản ứng nhanh (SOBR).

Các thành viên SOBR đang làm nhiệm vụ. Ảnh: National Interest

Cũng như các lực lượng đặc nhiệm khác ở châu Âu, quá trình hình thành SOBR bắt đầu vào những năm 1970 sau khi xảy ra các vụ tấn công nhằm vào Thế vận hội Munich (Đức) năm 1972. Để đảm bảo an ninh cho Thế vận hội Mùa hè 1980 tại thủ đô Mát-xcơ-va, một đơn vị đặc biệt được thành lập vào năm 1978 đặt dưới sự kiểm soát của Bộ Nội vụ mang tên OMON. Nhân sự của OMON đến từ lực lượng cảnh sát Nga và trải qua quá trình lựa chọn khắt khe, theo đó ưu tiên những người từng là lính nhảy dù. Dù được xem là thành công tại Thế vận hội Mùa hè 1980 nhưng quy mô OMON đã giảm 30% sau sự kiện này do Liên Xô không cần có một đơn vị chuyên biệt như vậy. Năm 1987, để đối phó với tình hình căng thẳng sắc tộc và tội phạm gia tăng, OMON được tái lập, với nhiều sư đoàn đóng tại các thành phố và khu vực.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, hàng loạt đơn vị SOBR được thành lập để chống tội phạm có tổ chức. Nhân sự của SOBR được rút ra từ các đơn vị OMON chủ chốt và phải trải qua bài kiểm tra về tâm lý trước khi gia nhập. Họ được huấn luyện kỹ năng bắn súng, chiến đấu tay đôi cũng như chiến đấu trong khu đô thị. Các nhóm tấn công thì được trang bị khiên chắn đạn, súng trường, súng lục và tiểu liên. Trong khi đó, OMON vẫn tồn tại độc lập.

Dù ban đầu được giao nhiệm vụ chống tội phạm có tổ chức nhưng SOBR lại là lực lượng chủ chốt trong cuộc chiến chống lại những kẻ khủng bố đến từ Chechnya và Dagestan, từng tham gia giải cứu con tin tại Mineralnye Vody, Makhachkala, bệnh viện Budyonnovsk…Nhiều sĩ quan SOBR sau những hoạt động này đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga.

Năm 2016, Bộ Nội vụ trao quyền kiểm soát SOBR cho lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga. Khi ấy, SOBR có tất cả 78 đơn vị với khoảng 5.200 người. 

Với sự góp mặt của các đơn vị tinh nhuệ thuộc SOBR và OMON, Vệ binh Quốc gia Nga thực sự là quả đấm thép chống khủng bố của Tổng thống Vladimir Putin.

TRÍ VĂN (Theo National Interest)

 

Chia sẻ bài viết