Thống kê đến 30-6-2024, TP Cần Thơ có 2.262 người đang sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). PrEP được chứng minh bảo vệ đến 97% tác nhân HIV lây truyền qua đường quan hệ tình dục.
Các bạn sinh viên tham gia trả lời câu hỏi, nhận quà trong buổi truyền thông về PrEP.
Quảng bá PrEP đến cộng đồng
Trong 2 tháng (7 và 8-2024), các trung tâm y tế của quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt và Thới Lai, cùng 13 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và 5 nhóm cộng đồng tổ chức 50 cuộc truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV, tạo cầu PrEP cho người dân trong cộng đồng, sinh viên. Trong đó tập trung trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Mới đây, tại Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ TP Cần Thơ (CTUT), khoảng 200 sinh viên đã tham gia buổi truyền thông. Ðại diện Nhóm Tiếp cận viên vì cộng đồng CTUT đã phổ biến kiến thức về phòng lây nhiễm HIV, PrEP, PEP cho sinh viên. Sau buổi truyền thông, 12 sinh viên đăng ký xét nghiệm HIV, giang mai và 5 sinh viên đăng ký điều trị PrEP.
Bạn Ðặng Hoàng Sơn, Trưởng nhóm Tiếp cận viên vì cộng đồng CTUT, cho biết: “Nhóm có 4 thành viên được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ tập huấn các kiến thức về truyền thông, tư vấn, xét nghiệm (lấy máu, thực hiện test nhanh), bảo mật thông tin, chuyển gởi điều trị... nên nhóm có đủ kiến thức, kỹ năng tư vấn, truyền thông cho các bạn. Nhóm tập trung tuyên truyền về lây truyền HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tư vấn, xét nghiệm cho sinh viên. Hằng năm, nhóm tổ chức 4 cuộc truyền thông lớn với nhiều hình thức như rung chuông vàng, sân khấu hóa (ca, kịch, hò vè...), hội thao... thu hút sinh viên tham gia”.
Bạn H, sinh viên uống PrEP được 3 năm chia sẻ: “Bao cao su phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, có lúc quá trớn, quên không dùng bao cao su, hoặc bao cao su bị rách nên em quyết định dùng thêm PrEP. Vừa dùng bao cao su, vừa PrEP cho an toàn hơn. Em dùng chính kinh nghiệm của mình tư vấn cho các bạn khác”. Ban đầu dùng PrEP, H bị nổi mụn ở lưng nhưng sử dụng một thời gian thì không còn bị tác dụng phụ nữa. Một số ít khách hàng dùng PrEP gặp các tác dụng phụ như nổi mụn, nhức đầu... nhưng một thời gian cũng quen dần.
Cải thiện chất lượng điều trị
PrEP là thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV, khi uống vào giúp cơ thể ngăn ngừa được HIV xâm nhập vào cơ thể. PrEP có 2 cách uống: sử dụng hàng ngày và sử dụng theo tình huống (uống trước khi quan hệ tình dục). Theo CDC Cần Thơ, trong những năm qua, thành phố đều đạt chỉ tiêu về số lượng khách hàng đang tiếp cận dịch vụ PrEP. Tuy nhiên về chất lượng triển khai chương trình tại địa phương vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đồng nhất. Nhằm cải thiện chất lượng và duy trì ổn định thành quả đạt được trong chương trình điều trị PrEP tại thành phố, CDC Cần Thơ đã triển khai kế hoạch cải thiện chất lượng chương trình PrEP thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024.
❝ Hiện TP Cần Thơ có 12 cơ sở điều trị PrEP, trong đó có 5 cơ sở tư nhân và 7 cơ sở y tế công lập. Theo thống kê của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (CDC Cần Thơ), trong 6 tháng đầu năm 2024 có 450 khách hàng sử dụng PrEP mới; ngưng sử dụng 790 khách hàng. Số khách hàng đang sử dụng PrEP là 2.262 người, trong đó, MSM chiếm gần 93%.
|
Theo CDC Cần Thơ, kế hoạch này nhằm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV, giảm khách hàng dừng PrEP không rõ nguyên nhân, mất dấu trong 3 tháng đầu tham gia điều trị. Trong đó, người kết nối, chuyển gửi khách hàng là thành viên các nhóm CBO (cộng đồng), nhân viên tiếp cận cộng đồng, tư vấn viên thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV, bác sĩ điều trị... khi tiếp cận khách hàng cần sàng lọc nguy cơ lây nhiễm HIV, sử dụng bộ câu hỏi nhanh để lựa chọn và kết nối cho khách hàng phù hợp vào điều trị PrEP. Người kết nối, chuyển gửi khách hàng nên thiết lập danh sách khách hàng giới thiệu và chuyển địa chỉ PrEP thành công kèm theo thông tin liên hệ để theo dõi cũng như hỗ trợ trong quá trình điều trị; xây dựng mối quan hệ tin cậy với khách hàng bằng cách thường xuyên gặp gỡ, liên lạc để hỗ trợ tuân thủ và duy trì điều trị; cung cấp thông tin chi tiết về PrEP, các lợi ích và các tác dụng phụ thường gặp. Ðặc biệt phải tư vấn kỹ về tuân thủ điều trị cho khách hàng; đánh giá sự sẵn sàng điều trị của khách hàng trước khi chỉ định PrEP.
Song song đó, xây dựng một khung ký thỏa thuận riêng giữa khách hàng và cơ sở về tuân thủ điều trị nhằm giúp cả khách hàng cơ sở y tế hiểu rõ trách nhiệm của mình và đảm bảo sự tuân thủ điều trị; theo dõi và nhắc lịch hẹn với khách hàng. Xây dựng quy trình cho các hoạt động tại cơ sở, tạo sự thân thiện, riêng tư, cung cấp dịch vụ đầy đủ, dễ tiếp cận, giảm thời gian chờ của khách hàng. Theo bà Ðoàn Thị Kim Phượng, Phó Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC Cần Thơ, quan trọng nhất là các cơ sở đánh giá hiện trạng của cơ sở mình, xác định vấn đề cần ưu tiên cải thiện nhất, tìm ra nguyên nhân và triển khai các can thiệp để cải thiện.