13/08/2016 - 09:20

Pokémon Go – “cơn sốt” chưa dứt

Pokémon Go là một trong những hiện tượng game đình đám nhất thời gian qua, khi làm mê mẩn các game thủ ở khắp nơi trên thế giới với mức độ lan truyền chóng mặt, để rồi phát sinh nhiều hệ lụy mà giới phân tích gọi là "mặt trái có thật" của trò chơi ảo này.

Cảnh báo tác động tiêu cực của trò "săn quái thú"

Pokémon Go là trò chơi tương tác thực tế (AR). Với việc sử dụng công nghệ Dịch vụ định vị toàn cầu (GPS), người chơi Pokémon Go có thể truy tìm các quái thú Pokémon ảo tại những địa điểm thực. Điện thoại thông minh kêu báo khi một Pokémon xuất hiện trên màn hình, người chơi có thể cố bắt lấy và đào tạo nó để tham gia các trận thi đấu.

John Hanke – "cha đẻ" của Pokémon Go. Ảnh: InfoGame

Có thể nói, cơn sốt Pokémon Go đã làm dấy lên nỗi lo ngại về vấn đề an toàn và an ninh khi một số người mải nhìn vào màn hình điện thoại để tìm bắt Pokémon mà không để ý tới tín hiệu giao thông, dễ gây tai nạn. Một số trường hợp đã bị giật điện thoại trên phố hoặc bị dẫn dụ đến nơi vắng vẻ để trấn lột… Nghiêm trọng hơn, như Tổ chức nâng cao nhận thức Onemyr mới đây cảnh báo, Pokémon Go có thể "đe dọa an ninh quốc gia" nếu người chơi sử dụng wifi được cung cấp cho các cơ quan chính phủ.

Theo ông Mohd Ridzman - Giám đốc tổ chức nâng cao nhận thức Onemyr đồng thời là nhà tư vấn công nghệ thông tin, nếu các game thủ sử dụng wifi công cộng tại các cơ quan của chính phủ, các hacker sẽ tiếp cận các địa chỉ IP (giao thức Internet) và có thể đánh cắp các thông tin quan trọng. Chuyên gia này khuyến nghị: "Điều quan trọng nhất ở đây là không lạm dụng wifi ở cơ quan vì bất kỳ lý do cá nhân nào, bao gồm cả việc chơi Pokémon Go. Các cơ quan chức năng cần phải giám sát kỹ lưỡng trước khi xảy ra những điều tồi tệ".

Cùng quan điểm trên, người phát ngôn của CyberSecurity Malaysia (tổ chức An ninh mạng Malaysia) cũng khuyên người dùng tự trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng trong sử dụng Internet và các ứng dụng di động một cách tích cực: "Người sử dụng cần tuân thủ quy định và thận trọng để đảm bảo an toàn các dữ liệu trên các thiết bị kỹ thuật số của mình".

Theo ông Mohd, Malaysia không thể phán xét và cấm đoán trò chơi này như một số nước, thay vào đó chính phủ cần kiểm soát một cách hiệu quả như ban hành qui định cấm chơi Pokémon Go tại một số khu vực nhất định, chẳng hạn tại các cơ quan chính phủ, hay các khu vực an ninh… như một số nước xung quanh đã tiến hành.

Thêm nghi vấn về "cha đẻ" của Pokémon Go

Pokémon Go là thành quả sau 15 năm gầy dựng sự nghiệp của John Hanke - nhà sáng lập và điều hành công ty phát triển trò chơi di động Niantic Labs. Thành công ngoài mong đợi của Pokémon Go trên toàn cầu là kết quả của quá trình hợp tác giữa Google, Pokémon Company và Nintendo (công ty sản xuất game Nhật Bản có cổ phần tại Niantic Labs và sở hữu 1/3 series phim hoạt hình Pokémon).

Theo nhiều phương tiện truyền thông phương Tây, Hanke là người từng làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ ở Myanmar trước khi chuyển sang San Francisco. Vào năm 2001, ông thành lập Keyhole, công ty chuyên về ứng dụng trực quan dữ liệu không gian địa lý (đã được Google mua lại vào năm 2004). Trong năm 2003, Keyhole đã nhận được vốn đầu tư từ In-Q-Tel, một công ty liên doanh mà Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thành lập vào năm 1999. Mục tiêu của việc đầu tư này được CIA đưa ra đó là giúp các sĩ quan tình báo của họ tương tác với thông tin địa lý và hình ảnh Trái đất.

Chính mối quan hệ giữa Hanke và CIA mà dư luận quốc tế nghi ngờ Pokémon Go có thể là phần mềm gián điệp của CIA. Việc Pokémon Go buộc người dùng phải đăng nhập vào địa chỉ Gmail cũng như cho phép sử dụng camera trên thiết bị lại càng cho thấy khả năng gián điệp của game là rất lớn. Các dữ liệu thu thập từ game sẽ gửi trực tiếp đến Niantic, mở ra cơ hội kiểm soát thông tin trên toàn thế giới dành cho CIA. Đây là lý do khiến một số nước cấm Pokémon Go tiếp cận, dù "cơn sốt" trò chơi ảo này trên thế giới xem ra vẫn chưa dứt.

NG. CÁT (Theo Stuff, CNBC, Nzherald, TTXVN)

Chia sẻ bài viết