MAI QUYÊN
Trong bối cảnh nguồn viện trợ cho Ukraine dần cạn kiệt, Mỹ bắt đầu thảo luận khẩn cấp với các đồng minh châu Âu về việc có thể sử dụng khối tài sản bị đóng băng ở phương Tây trị giá hơn 300 tỉ USD của Ngân hàng Trung ương Nga.

Tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga bị phương Tây đóng băng hiện đứng trước rủi ro bị tịch thu. Ảnh: Bloomberg.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2-2022, nước này hứng chịu liên tiếp các lệnh trừng phạt từ Mỹ và đồng minh, dẫn tới việc Mát-xcơ-va không thể tiếp cận khoảng 300 tỉ USD dự trữ vàng và ngoại hối ở phương Tây. Tháng rồi, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á - Âu James O’Brien khẳng định Washington và các đồng minh Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) sẽ không trả số tài sản trên đến khi Nga bồi thường thiệt hại gây ra bởi chiến dịch ở Ukraine.
Trước đó, các quan chức Mỹ tính toán dùng số tài sản bị phong tỏa làm đòn bẩy buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán về lệnh ngừng bắn nhưng Nga tỏ ra không quan tâm. Vấn đề này gần đây nóng trở lại sau khi Quốc hội Mỹ không đạt thỏa thuận cấp viện trợ quân sự nước ngoài trước cuối năm nay, còn cam kết hỗ trợ tài chính mới của châu Âu cho Ukraine cũng bị mắc kẹt. Tình hình cấp bách đã thúc đẩy tranh luận giữa các đồng minh khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tin việc tịch thu tài sản của Nga là khả thi theo luật pháp quốc tế. Giới hoạch định chính sách còn cho rằng sử dụng số tiền này có thể thúc đẩy Mát-xcơ-va tích cực với khả năng đàm phán.
Hiện Nhà Trắng thúc ép Anh, Pháp, Ðức, Ý, Canada và Nhật Bản đưa ra chiến lược trước thời điểm đánh dấu 2 năm cuộc xung đột Ukraine. Theo tờ New York Times, đã có hàng loạt cuộc đàm phán được tiến hành giữa các bộ trưởng tài chính, ngân hàng trung ương, quan chức ngoại giao và luật sư về khả năng sử dụng trực tiếp nguồn tài sản Nga hoặc dùng nó để đảm bảo các khoản vay hay tận dụng nguồn lãi để hỗ trợ Ukraine. Trong dấu hiệu cho thấy một số nước châu Âu sẵn sàng tiến hành tịch thu tài sản Nga, các công tố viên Ðức tuần này đã tịch thu khoảng 790 triệu USD từ tài khoản ngân hàng Frankfurt của một công ty tài chính Nga đang chịu lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).
Thách thức pháp lý
Các quan chức Mỹ rất ngạc nhiên khi Tổng thống Nga Vladimir Putin không hồi hương nguồn dự trữ vàng và ngoại hối trước khi phát động chiến dịch ở Ukraine. Một số cho rằng có thể ông Putin không tin số tiền này sẽ bị tịch thu vì chúng không bị ảnh hưởng sau đợt Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Cũng có người nói động thái như vậy sẽ khiến phương Tây cảnh giác, bởi Tổng thống Putin thời điểm đó vẫn phủ nhận cáo buộc Nga chuẩn bị cho hành động quân sự.
Các nhà quan sát cho rằng thu giữ khoản tiền lớn từ một nước có chủ quyền là điều chưa từng có tiền lệ và hành động này có thể gây ra những hậu quả khó lường. Một điều chắc chắn là nó sẽ dẫn tới các vụ trả đũa từ Nga, nhưng việc Ukraine sắp hết tiền và đạn dược có thể được dùng như “lá chắn đạo đức” để biện minh. Dù tính toán ra sao, việc thu giữ tài sản trên thực tế là một bước quan trọng và thách thức lớn nhất đối với các nhà hoạch định chính sách là họ hành động cần dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc, bao gồm luật pháp quốc tế cũng như luật ở mỗi nước.
Hiện Tổng thống Biden chưa phê duyệt chiến lược này do vấp phải quan điểm cho rằng tịch thu một cách hợp pháp thì cần có đạo luật của Quốc hội. Từ góc độ kinh tế, một số quan chức hàng đầu của Mỹ còn lo ngại các quốc gia trên thế giới sẽ e dè khi lưu trữ tiền tại các ngân hàng khu vực của Cục Dự trữ Liên bang (FED) hoặc bằng USD nếu Washington thiết lập tiền lệ tịch thu tài sản. Theo ước tính, có rất ít tài sản Nga (khoảng 5 tỉ USD hoặc hơn) do các tổ chức Mỹ nắm giữ. Phần lớn tiền gửi của Nga được cho là ở châu Âu, bao gồm những nước không thuộc G7 như Thụy Sĩ và Bỉ. Các cuộc đàm phán ngoại giao đang được tiến hành giữa các bên về cách tiếp cận những khoản tiền đó. Vấn đề là ngoại hối của Nga chủ yếu dự trữ bằng USD và Washington có quyền giám sát các giao dịch liên quan đồng USD cũng như áp trừng phạt để phong tỏa tài sản bằng đồng tiền này.