24/11/2018 - 18:13

Phụ nữ nông thôn Pakistan đấu tranh đòi nhà vệ sinh 

Không biết đã bao nhiêu lần bà Ayeesha Siddiqua cùng với người thân đứng lên đấu tranh để mong được xây nhà vệ sinh tại nơi bà đang ở. “Tôi nói với họ rằng họ có thể đi vệ sinh bất kỳ chỗ nào họ muốn nhưng với tôi, tôi không thể tùy tiện được” - bà Siddiqua nói với AFP.

Người nhà bà Siddiqua trước nhà vệ sinh mới xây. Ảnh: AFP

Bà Siddiqua hiện sinh sống tại Basti Ameerwala, một ngôi làng nông nghiệp nhỏ ở tỉnh Punjab, nơi cư dân đã giảm bớt tình trạng “trút bầu tâm sự” ngoài trời. Theo AFP, trước một xã hội gia trưởng và bảo thủ như ở Basti Ameerwala, phụ nữ tại đây từ lâu buộc phải che giấu nhu cầu sinh lý của mình. Theo đó, họ phải “nhịn” trong những ngày dài làm việc trên đồng và “giải quyết” khi màn đêm buông xuống trước mối đe dọa của rắn rết, đôi khi thậm chí còn phải gặp phải những người đàn ông xa lạ. “Tôi phải hạn chế uống nước và ăn ít hơn nhằm tránh đi tiểu vào ban ngày” - Tahira Bibi, con dâu bà Siddiqua, cho biết. Theo chị Bibi, đây là tình cảnh chung của những người phụ nữ trong làng.

Tuy nhiên, trong vòng một tháng rưỡi qua, chị Bibi và những người phụ nữ khác không phải chờ màn đêm buông xuống mới có thể đi “giải quyết” khi mà một ngôi nhà bằng gạch đỏ chứa nhà vệ sinh bên trong đã được dựng lên trước nhà chị. Theo AFP, sáng kiến này xuất phát từ Dự án Thí điểm Lodhran (LPP), một tổ chức phi lợi nhuận của Pakistan chuyên đến các thôn làng hẻo lánh để giảng thuyết vấn đề vệ sinh, chủ yếu với nam giới. Altaf Hussain, một cán bộ chương trình của LPP, nói rằng đây một phần thuộc về vấn đề văn hóa, bởi mọi người tại đây xem chuyện đi vệ sinh ngoài trời như là một thói quen, họ không nhận thức được hậu quả của nó. Đến nay, LPP đã giúp 15 trong tổng số 60 hộ gia đình ở Basti Ameerwala có nhà vệ sinh.

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho biết, có đến 22 triệu người Pakistan “giải quyết nỗi buồn” bên ngoài khi mà ở các khu vực nông thôn Pakistan, chỉ có 48% dân số được sử dụng nhà vệ sinh, trong khi tỷ lệ này ở các thành phố là 72%. Theo số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc (LHQ), khoảng 53.000 trẻ em tử vong mỗi năm do tiêu chảy ở  Pakistan sau khi uống nước bị ô nhiễm. Kitka Goyol, chuyên gia về vệ sinh và nước của UNICEF, cho hay những trẻ không chết do sử dụng nước ô nhiễm thì cũng “giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể”, nguyên nhân khiến 44% trẻ em Pakistan bị còi cọc.

LHQ trong Ngày nhà vệ sinh thế giới năm 2018 (World Toilet Day) tiết lộ rằng việc thiếu nhà vệ sinh khiến Pakistan tổn thất 2,5 tỉ USD. Trước tình trạng này, Thủ tướng Pakistan Imran Khan hồi tháng trước tuyên bố sẽ “xóa bỏ việc thiếu nhà vệ sinh vào năm 2023”. Theo AFP, Chính phủ Pakistan mới đây đã triển khai chiến dịch “Pakistan xanh sạch”, một sáng kiến xã hội và môi trường quy mô lớn nhằm tìm cách thay đổi thái độ của người dân trong các lĩnh vực, trong đó gồm lĩnh vực vệ sinh. Sáng kiến này được cho là “nối gót” cuộc cách mạng nhà vệ sinh của Ấn Độ do Thủ tướng Narendra Modi phát động. New Delhi trong một tuyên bố cho biết, số người dân nước này buộc phải đi vệ sinh ngoài trời đã giảm mạnh, từ mức 550 triệu người vào năm 2014 xuống còn 150 triệu người trong năm nay.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết