15/12/2023 - 21:36

Phụ nữ Libya đấu tranh chống tấn công trực tuyến 

Thay vì giữ im lặng như trước đây, nhiều phụ nữ Libya đang nỗ lực chống lại những hành vi tấn công trên mạng nhằm vào họ, từ những lời đe dọa sát hại đến các chiến dịch bôi nhọ danh dự.

Một phụ nữ tham gia bỏ phiếu ở thành phố Tripoli, Libya.

Phụ nữ không được chào đón

Ở Libya, cơ cấu pháp lý, kinh tế - xã hội và chính trị mang tính phân biệt đối xử từ lâu khiến nhiều phụ nữ cảm thấy họ như những công dân hạng hai. Kể cả trước cuộc cách mạng “Mùa xuân Arab” năm 2011 và sau đó, sự hiện diện của phụ nữ trong chính trị luôn bị hạn chế và việc trao quyền cho họ cũng chẳng ai quan tâm. Không chỉ vậy, các cuộc tấn công trên mạng đang nổi lên như một hình thức bạo lực mới nhằm vào phụ nữ Libya, nhằm ngăn cản họ phát triển và tham gia xây dựng xã hội mới.

Ðiển hình như những gì mà bà Hanan al-Faidy đã trải qua. Khi kỳ bầu cử quốc hội và tổng thống được công bố ở Libya hồi tháng 12-2021, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng 46 tuổi đã đăng ký ứng cử vào quốc hội. Nhưng chỉ vài tuần trước ngày bầu cử diễn ra, al-Faidy buộc phải rút lui vì một chiến dịch tấn công trực tuyến cực kỳ độc ác nhắm vào bà. Các tin tức giả mạo lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội nói rằng al-Faidy đã bị bắn chết trong lúc lái xe, thậm chí có tin khẳng định thi thể bị đốt cháy của bà được tìm thấy... “Tôi bị xúc phạm và bôi nhọ danh tiếng, bên cạnh những tin đồn lan truyền về vụ ám sát tôi. Ðiều này khiến gia đình tôi vô cùng đau khổ. Tất cả những gì tôi muốn là chấm dứt nỗi đau khổ của các con, nên tôi đã rời cuộc đua” - bà kể.

Ở Libya, mặc dù vẫn có một vài phụ nữ giữ vị trí cao trong khu vực công và tư, nhưng phần lớn bị gạt khỏi lĩnh vực chính trị. Mức độ đóng góp của phụ nữ cho các mặt đời sống xã hội cũng bị hạn chế, vì người ta thường chọn nam giới vào vị trí quyền lực trước tiên, bất kể ứng viên nữ có trình độ cao đến đâu. Như trong cuộc bầu cử tổng thống Libya năm 2021, chỉ có 2/98 ứng viên là nữ.

Không chỉ vậy, những phụ nữ lên tiếng kêu gọi thay đổi những vấn đề trên thường bị phớt lờ, quấy rối và thậm chí bị những phần tử cực đoan sát hại. Ðáng lo là những phụ nữ này thường xuyên phát hiện điện thoại và máy tính xách tay của họ được sử dụng làm vũ khí chống lại họ - từ các chiến dịch bôi nhọ trên mạng xã hội cho đến các cuộc tấn công trực tuyến.

Năm 2021, Ủy ban Bầu cử Quốc gia Cấp cao Libya (HNEC) đã khởi động một dự án nhằm theo dõi trực tuyến các hoạt động thù địch nhằm vào giới tính và phát hiện rất nhiều phụ nữ phải chịu đựng các cuộc tấn công trên mạng. Cụ thể, HNEC phát hiện 76% phụ nữ Libya đã gặp một số hình thức quấy rối trực tuyến như tống tiền, phỉ báng và nhắn tin tục tĩu. Tỷ lệ công chức nữ đối mặt với các cuộc tấn công trên mạng là 54%, còn các nhà hoạt động nữ và người có ảnh hưởng khác là 17%. Salima al-Fakhri, một nhà bảo vệ nữ quyền và cựu chủ tịch của Diễn đàn Trao quyền cho Phụ nữ và Thanh niên Libya, khẳng định các chiến dịch tấn công kỹ thuật số như vậy chính là bạo lực dựa trên giới tính nhắm vào phụ nữ Libya.

Nỗ lực giải quyết vấn đề

Chính quyền Libya cho biết đã thực hiện các bước để ngăn chặn hành vi quấy rối trực tuyến. Song, theo cô Asmaa al-Sa’eety - một chuyên gia về an ninh mạng và đã được HNEC đào tạo về chống bạo lực mạng, việc thiếu các đơn vị cảnh sát chuyên trách có khả năng truy tìm tội phạm trực tuyến là lý do thủ phạm vẫn nhởn nhơ và tiếp tục gây sự.

Dù vậy, để bảo vệ phái yếu, nhiều cá nhân và tổ chức ở Libya đang có nhiều nỗ lực để giúp phụ nữ giữ an toàn trên không gian mạng. Như thông qua việc thành lập nền tảng Be Safe vào năm 2022, al-Sa’eety đang giúp phụ nữ ở khu vực nông thôn, vốn dễ trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến do hiểu biết hạn chế, nhận biết và đề phòng đối tượng lừa đảo. Trong năm 2023, tổ chức phi chính phủ Nuazi cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về an ninh mạng cho hàng trăm phụ nữ ở Libya - gồm các học giả, nhân viên dân sự và nhân viên truyền thông. Theo Chủ tịch của Nuazi - Hanan Bushousha, các hội thảo này tập trung hướng dẫn phụ nữ các mẹo kỹ thuật và pháp lý nhằm chống bạo lực mạng, cách thu thập bằng chứng kỹ thuật số về hành vi quấy rối, cũng như nhận biết các rủi ro bảo mật khi sử dụng mạng xã hội.

NGUYỆT CÁT (Theo Al Jazeera)

Chia sẻ bài viết