26/05/2025 - 08:37

Bảo vệ vườn cây ăn trái trong mùa mưa, bão 

Trái cây là một trong những mặt hàng nông sản được nông dân trồng, thu hoạch bán nội địa và xuất khẩu. Thời gian qua, TP Cần Thơ cũng như các địa phương trong vùng ĐBSCL ngày càng phát triển vườn cây ăn trái cho lợi nhuận khá. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết vào mùa mưa, bão, công tác chăm sóc và bảo vệ vườn cây ăn trái cần được tăng cường ở các địa phương.

Cây giống chất lượng cao được trưng bày, bày bán trên địa bàn TP Cần Thơ.

Tăng diện tích cây trồng

Hiện nay, tại TP Cần Thơ cũng như nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL trái cây đang vào mùa chín rộ, như sầu riêng, mít, xoài, mận, cam... Dọc theo các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), nhiều nhà bày trái cây ngon trên sề, treo bẹo trước nhà để mời gọi người mua, thu hút thương lái. Nhưng hiện nay vào mùa sầu riêng, các loại sầu riêng như Ri 6, sầu riêng Thái, sầu riêng khổ qua… có giá rẻ, thấp nhiều so với những năm trước. Theo nhiều nông dân trồng sầu riêng ở huyện Phong Điền, sầu riêng đóng thùng bán tại chợ, dọc theo đường giao thông có giá từ 35.000-70.000 đồng/kg, nếu bán cho thương lái mua (mua thô) tại vườn thì giá thấp hơn. Giá sầu riêng rẻ như thế, nhưng rất ít thương lái buôn trái cây về vườn thu mua như những năm trước. Năm nay, sầu riêng có giá thấp do thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn và kéo dài. Ngoài sầu riêng, các loại trái cây khác như mãng cầu, dâu Hạ Châu, dừa… trên địa bàn huyện Phong Điền vẫn ở mức giá cao, đem lại lợi nhuận khá cho nông dân.  

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) TP Cần Thơ, hiện nay diện tích cây ăn trái phát triển nhanh trên địa bàn thành phố, đem lại hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa. Toàn thành phố hiện có diện tích sản xuất cây ăn trái là 26.100ha. Trong đó, sầu riêng 6.991ha; xoài 3.237ha; nhãn 2.608ha; mít 2.008ha; mận 1.912ha; vú sữa 1.461ha; chanh 1.249ha; mãng cầu 876ha; cam 532ha; bưởi 520ha; ổi 407ha, cây dừa là 1.317ha... Tuy nhiên, một số diện tích cây ăn trái giai đoạn sinh trưởng như vú sữa, sầu riêng, xoài, mận, nhãn có các đối tượng dịch hại xuất hiện như ruồi đục trái, sâu đục trái, bệnh muội đen trên dâu, vú sữa, xoài, nhãn, sầu riêng; bệnh sẹo cây có múi; bệnh cháy lá, bệnh nứt thân, xì mủ, thối trái trên sầu riêng… tập trung tại huyện Phong Điền, Cờ Đỏ và quận Thốt Nốt, làm ảnh hưởng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Với diện tích trên, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã xây dựng được vùng sản xuất cây ăn trái chủ lực tập trung và hình thành các sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu với diện tích 12.673ha, đạt sản lượng gần 140.000 tấn/năm, gồm các loại cây trồng như dâu Hạ Châu Phong Điền, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc Sông Hậu, nhãn, vú sữa Phong Điền. Vùng sản xuất tập trung này có diện tích, sản lượng không ngừng gia tăng qua các năm nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường sử dụng giống mới và áp dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; được chứng nhận vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP… Công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cũng được tăng cường thực hiện. Đối với mã số vùng trồng, thành phố được cấp 223 mã số vùng trồng với tổng diện tích 3.055ha trên các đối tượng cây trồng chủ lực như xoài, vú sữa, nhãn, sầu riêng… xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, EU. Có 53 cơ sở kinh doanh giống cây trồng (12 cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh và 41 cơ sở kinh doanh) với sản lượng 413.360 cây/năm, cung cấp cây giống chất lượng cao cho nông dân trong và ngoài TP Cần Thơ.

Bảo vệ vườn cây trong mùa mưa bão

Mùa mưa năm 2025 bắt đầu, nông dân cần đề phòng một số dịch bệnh xuất hiện gây hại trên cây trồng. Ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ khuyến cáo: Vào giữa tháng 5-2025, TP Cần Thơ và khu vực Nam Bộ chính thức bước vào mùa mưa. Trong thời điểm giao mùa, đầu mùa mưa bà con cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn cục bộ, giông lốc, sét và gió giật mạnh làm ảnh hưởng cây trồng. Đặc biệt, mưa đầu mùa thường xảy ra đột ngột, dễ gây ngập úng ở các vùng trũng thấp, khuyến cáo nông dân trồng cây ăn trái cần kiểm tra thường xuyên, đề cao cảnh giác với tình hình ngập úng do mưa lớn kéo dài và nạo vét hệ thống mương rãnh, cống thoát nước xung quanh vườn để tránh tình trạng úng nước, thối rễ. Tạo các rãnh thoát nước nhỏ bên trong tán cây để thoát nước nhanh, tránh ngập úng cục bộ, đồng thời sử dụng cây chống đỡ và chằng dây để hạn chế đổ ngã, gãy nhánh (chú ý những vườn đang thời điểm mang trái như sầu riêng, vú sữa, nhãn, mít...); thăm vườn thường xuyên, kiểm tra phát hiện sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Chú ý chăm sóc, tỉa cành, vệ sinh vườn, bón phân cân đối và bón phân hữu cơ để cung cấp dinh dưỡng, cải tạo độ tơi xốp đất giúp cây sinh trưởng, phát triển và phục hồi tốt sau thu hoạch, đồng thời hạn chế được sự gây hại của bệnh hại... Tại các địa phương trồng cây ăn trái, bà con nông dân lưu ý quản lý các bệnh gây hại như bệnh thán thư trên xoài, mãng cầu, bệnh nứt thân xì mủ trên sầu riêng, mít, cây có múi... cần tạo điều kiện thông thoáng cho vườn, cạo sạch vết bệnh nứt thân và quét thuốc trừ bệnh, phun thuốc gốc đồng để phòng ngừa bệnh và sát trùng vết thương sau khi cắt tỉa (nếu có).

Hiện nay, nông dân canh tác cây ăn trái vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Đó là một số diện tích nông dân trồng với nguồn giống có chất lượng chưa đạt yêu cầu; nông dân chưa nhuần nhuyễn với kỹ thuật canh tác cây ăn trái, thiếu kiến thức và phương tiện, trang thiết bị dẫn đến chất lượng sản phẩm còn thấp. Điển hình như trồng mật độ quá dày để khai thác tối đa quỹ đất, sử dụng phân bón và chất kích thích quá nhiều để nâng tối đa năng suất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng, nồng độ để phòng trừ dịch hại; việc tổ chức sản xuất chưa theo quy hoạch và định hướng của địa phương, còn mang tính tự phát; sự liên kết giữa sản xuất và thu mua còn lỏng lẻo, nên giá cả chưa ổn định...

Theo Cục Trồng trọt (thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường), để hạn chế tình trạng trên các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, tăng cường sản xuất rải vụ trong năm để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, biến động do "dội hàng, rớt giá"; lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất; lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả, nhằm giúp các hộ dân học hỏi áp dụng; kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân... Đặc biệt, nông dân cần tăng cường quản lý tốt vườn cây trong mùa mưa; tích cực tích trữ nước ngọt thông qua các giải pháp nạo vét kênh mương nội đồng, đào ao chứa nước ngọt trong vườn; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả thông qua đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, kết hợp cung cấp dinh dưỡng qua hệ thống tưới; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, giảm chi phí sản xuất thông qua giảm phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết