16/07/2016 - 15:35

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp

Phong tục hôn nhân thể hiện nét văn hóa của người Nam bộ

 

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp vừa ra mắt công trình biên khảo "Để thành vợ thành chồng", giới thiệu về những nét đẹp trong tình yêu đôi lứa, dựng vợ gả chồng và những phong tục trong hôn lễ của người Việt ở Nam bộ. Đặc biệt, công trình còn giới thiệu hàng ngàn câu ca dao, tục ngữ đặc sắc về chủ đề này. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp chia sẻ:

- Hôn nhân, hôn lễ… nói chung là việc dựng vợ, gả chồng, xưa nay tuy đại thể đều na ná, nhưng do bối cảnh xã hội, phong tục từng nơi, từng giai cấp… mà có những nét riêng. Đó là chưa nói đến hoàn cảnh sống và điều kiện cụ thể của từng gia đình. Nếu nhà giàu có ở thành thị cho của hồi môn cho con là nữ trang, nhà cửa, tiện nghi đắt tiền thì dân ruộng ở vùng sâu, những người quanh năm "mần thúi móng" mà vẫn cứ nghèo, đâu có tiền của mà xun xoe đồ cưới cho con. Do đó, mỗi khi gả, cưới, để giúp con có vốn làm ăn, họ "hồi môn" bất cứ tài sản gì có được: năm ba công đất, một hai khẩu đìa, thậm chí chỉ một đường câu.

Người Nam bộ xưa nay vẫn vậy, luôn xem hôn nhân là chuyện trọng đại của đời người nên tổ chức rất khuôn phép. Có thể nói, phong tục hôn nhân thể hiện nét văn hóa người Nam bộ.

* Thưa ông, trong công trình biên khảo này, ông dành nhiều trang viết nói về về cách yêu đương, tỏ tình- tiền đề hôn nhân- của người Nam bộ thuở xưa. Xin ông chia sẻ đôi điều về câu chuyện này?

- Xưa, dường như ở miền sông nước Nam bộ minh mông, người nam "ngỏ ý" với người nữ ít phần ngượng ngùng, lúng túng và cũng không vòng vo, văn vẻ kiểu "Để quên chiếc áo trên cành hoa sen". Họ yêu thì nói rằng yêu:

"Hồi hôm tui có vô đình

Thấy hạc chầu thần đủ cặp, sao hai đứa hình lẻ đôi"

Có anh lại bạo dạn hơn nữa:

"Trứng vịt để lộn trứng gà

Thấy em má trắng, anh đà muốn hun"

Mà không chỉ có con trai, gái mới lớn cũng thích bày tỏ tình cảm của mình bộc trực, thẳng thắn:

"Anh ra về em nắm áo la làng

Duyên đây không kết, bỏ giữa đàng cho ai?"

Điều tôi ấn tượng nhất khi nói về chủ đề này là chuyện "trổ mã" của thanh niên thuở xưa. Những đứa con nít đen thui, đen thít nhưng ngày nọ lớn phổng phao, ăn mặc chải chuốc "láng cón" là lúc họ trổ mòi yêu đương. Cách đây chừng nửa thế kỷ trước, người nữ muốn cho môi đỏ thắm thì bắt đầu ăn trầu (vì thoa son sẽ bị xem là lẳng lơ) nhưng không phải kiểu "ăn trầu bô bô" mà là "ăn trầu cắn chỉ", nghĩa là thi thoảng nhai một vài miếng. Họ dùng thạch cao, phi nóng rồi tán nhuyễn để làm phấn dặm mặt, gọi là phấn nụ. Đừng tưởng "phụ nam" không biết "dọn"! Họ tuềnh toàng ở nhà nhưng ra đường thì bóng bẩy, thường là mặc bộ bà ba đen hay trắng, sang hơn thì diện pyjama có viền lai; dùng nhựa hột bưởi ngâm nước vuốt tóc bóng loáng. Mái tóc "chải bảy- ba", không "chải năm- năm" như bây giờ vì các cụ xưa cho rằng, chải ngôi đỉnh đầu là bất hiếu, vong bản. Ca dao xưa tả về một chàng trai miệt Cần Thơ như vầy:

"Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái,
Đầu thì hớt chải tóc tém bảy ba,
Mặc pyjama khăn bàn choàng cổ…"

* Xin ông khái quát đôi nét về các nghi lễ trong hôn nhân của người Nam bộ xưa và nay?

- Đến đầu thế kỷ 19, khi thiết chế hành chính ở Nam bộ được hình thành, vấn đề hôn nhân ở Gia Định (hiểu là toàn miền Nam), bên cạnh việc tinh giản một số nghi thức thì cũng phát sinh một số tục lệ mới. Cụ Trịnh Hoài Đức trong "Gia Định thành thông chí" đã ghi rõ, bên cạnh 6 lễ: nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp tài, thỉnh kỳ, thân nghinh (thường chỉ đủ lễ với gia đình kẻ sĩ), người Gia Định còn có tục đến nhà gái làm rể trước rồi mới cưới sau, có nhà phải thế chấp ruộng đất, trâu bò để chi tiêu vào việc giá thú. Tuy nhiên sau đó, đến thời nhà Nguyễn dần về sau thì nghi lễ trong hôn nhân dần rút gọn, đơn giản. Hiện tại, việc hôn nhân của người Nam bộ gần như chỉ có 3 lễ chính: dạm hỏi (coi mắt), đám nói và đám cưới. Nhưng những tập tục bao đời qua như mâm trầu, khay rượu, quả phẩm… đến nay vẫn được giữ gìn.

Đoàn bưng mâm của nhà trai trình diện nhà gái trong lễ hỏi.

Ở đây, tôi xin trình bày về 3 cuộc lễ còn phổ biến hiện nay là coi mắt, đám nói và đám cưới. Coi mắt là việc cha mẹ dẫn con trai đến xem mặt người con gái mà họ dự tính sẽ cưới cho con. Đây cũng là dịp để mẹ của chàng trai ngó nghiêng xem bếp núc thế nào, mùng chiếu ra sao, tài nấu nướng, may vá đến đâu… Tuy lễ này chưa nói đến chuyện cưới xin, chỉ "thăm dò" nhưng tiến tới nữa hay không cũng không nên nói ra cho thiên hạ biết vì dĩ lỡ nhà trai không ưng thì sẽ làm "mất duyên" cô gái, ngầm ý là "chê". Đám nói là lúc đôi trai gái chính thức gá nghĩa vợ chồng, cha mẹ hai bên kết tình thông gia. Ngoài lễ phẩm, bà mẹ chồng sẽ đeo bông cho con dâu. Sau đám nói chừng 1 tháng sẽ là đám cưới, không nên để quá lâu vì sợ người ngoài "nói ra nói vô" mà sự đổi ý hoặc biết đâu kẹt cảnh "cưới chạy tang" mất vui.

Mâm trầu cau và lễ vật nhà trai cho cô dâu trong lễ hỏi của người Nam bộ. Ảnh: DUY KHÔI

Trong đám cưới, việc chọn trưởng tộc, chú rể phụ, cô dâu phụ, người rước dâu, hẳn nhiều người đã rõ, tôi không nói thêm. Tôi chỉ xin nói một chút về cách mời đám cưới xưa và nay ở Nam bộ. Ngày trước, người Nam bộ rất giữ lễ, không mời thiệp suông mà ông bà chủ hôn phải đích thân bưng khay rượu đến từng nhà mời, không mời nhắn, không nhờ ai thay mặt. Khâu mời chiếm nhiều thời giờ, đôi khi cả tháng mới xong vì cách trở, xa xôi. Bây giờ, người Nam bộ mời đám cưới bằng thiệp mời, có 2 phần: báo tin và mời. Vấn đề ghi thiệp cũng cần lịch sự. Người ta không bao giờ ghi tên người được mời ở phong bì nếu người ấy bằng, lớn tuổi, hoặc lớn vai vế hơn chủ hôn thì chỉ ghi thứ: "Bác Ba (Phú Tân)", "Chú Hai (Vàm Rày)", "Cô Sáu (Ngãi Tứ)"… đồng thời cũng ghi thêm "và các em, cháu" hoặc "cùng hai em", tùy thực tế mỗi nhà để từng thành viên đều thấy mình được mời trân trọng.

* Theo ông, những tập tục nào trong hôn nhân của người Nam bộ ngày nay cần được tinh giản hay loại bỏ nhằm phù hợp với đời sống đương đại và "giảm áp lực" cho chủ hôn cũng như đôi tân hôn?

- Nhìn chung, nghi lễ nào trong hôn nhân tự cổ chí kim đều muốn việc cưới xin của đôi trẻ suôn sẻ và một phần những "cái khó" của lễ nghi cũng nhằm giúp họ trân quý hạnh phúc hôn nhân. Tuy nhiên, tôi cũng đồng tình việc nên chăng, ta cần bỏ một số lễ tục không còn phù hợp.

Đầu tiên đó là quan niệm môn đăng hộ đối và thách cưới. Hôn nhân hạnh phúc, sui gia gắn bó ở cái tình, cái nghĩa chớ đâu phải ở "ruộng cả ao liền". Các nghi thức vái lạy, kiêng kỵ đủ điều trong lễ cưới cũng cần "đơn giản" bớt bởi như thế, chúng ta vô tình tạo áp lực cho mình để rồi khi không tròn vẹn thì lại đâm lo hay xích mích. Tôi thí dụ như việc đôi trẻ lên đèn, lỡ đèn tắt hay ngọn thấp ngọn cao, thì cũng chẳng sao, đừng quá lo âu. Hay việc cha mẹ nào cũng dặn con phải giành dỡ mâm trầu trước, bốc lá trầu trong mâm trước, treo đồ cưới lên móc trước… để giành quyền làm chủ gia đình, đều nên loại bỏ!

Điều tôi lưu tâm là bây giờ, chuyện tính toán trong tổ chức tiệc cưới cho con trở nên thực dụng quá mức. Người ta không ngại dùng những tiếng "lỗ", "lời" khi kết toán "cuộc vui" mà trước đó đã "vung tay quá trán". Người xưa không xem đám cưới con đơn thuần là một cuộc vui mà là "việc lớn", cha mẹ lo cưới hỏi cho con là trách nhiệm nối dõi tông đường, vun gốc nhơn nghĩa, đắp nền phong hóa. Song, bây giờ không ít người có chức quyền, đã "lợi dụng tín nhiệm" mà "mời ép" để gom hốt "tiền đi thiệp" trong khi phần lớn khách mời là sơ giao, thậm chí chưa hề quen biết.

* Xin cảm ơn ông!

Đăng Huỳnh (thực hiện)

Chia sẻ bài viết