20/05/2017 - 10:03

Phòng tránh dọa sanh non

Mới tuần 17 của thai kỳ, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (33 tuổi, ở huyện Vĩnh Thạnh) có dấu hiệu dọa sanh non. Nhờ sự theo dõi chặt chẽ, điều trị kịp thời của các bác sĩ Đơn nguyên điều trị dọa sanh non (thuộc khoa Sanh) Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ, chị Nhung giữ được thai phát triển đến 37 tuần tuổi, mới chuyển dạ, cho ra đời song thai khỏe mạnh.

Anh Duy Linh, chồng chị Hồng Nhung, phấn khởi cho biết, sau hơn 4 tháng, mỗi bé cân nặng 7kg. Nhìn hai con kháu khỉnh, đáng yêu, anh nhớ quãng thời gian vợ mang thai, cả gia đình thấp thỏm vì chưa được nửa thời gian thai kỳ, chị Nhung có dấu hiệu sanh non. Chị Nhung vào BV Phụ sản thành phố điều trị, được các bác sĩ can thiệp xử trí tình trạng hở eo cổ tử cung. Thai được 25 tuần, chị tiếp tục nhập viện để dưỡng thai đến khi sanh. Anh Duy Linh kể: "Suốt thời gian vợ tôi ở BV, các bác sĩ quan tâm theo dõi diễn biến tình trạng sức khỏe, thai nhi. Tôi có được hai con khỏe mạnh này là nhờ sự đồng hành của các y, bác sĩ BV Phụ sản TP Cần Thơ". Bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Liêm, Trưởng khoa Sanh, BV Phụ sản TP Cần Thơ, cho biết: "Chị Nhung mang song thai, với nhiều chuyển biến có thể dẫn đến sinh non trong thai kỳ như: hở eo cổ tử cung tuần thai 17; xuất hiện các cơn gò tử cung từ tuần thai 25. Chúng tôi thực hiện các biện pháp xử trí để kéo dài tuổi thai. Đối với trường hợp này, nếu không theo dõi liên tục, can thiệp kịp thời thì nguy cơ sinh non rất cao".

Phòng tránh dọa sanh non giúp cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, sanh non chiếm từ 5% đến 15% số ca sinh, là cuộc chuyển dạ xảy ra từ tuần lễ thứ 22 đến trước tuần lễ thứ 37 của thai kỳ, tương tứng với trọng lượng lúc sinh của trẻ từ 500gr đến 2.500gr. Ở các nước đang phát triển Trẻ sinh non phải đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng. Trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2.500gr, nguy cơ tử vong chu sinh khoảng 80%. Trẻ cân nặng dưới 1.500gr tăng nguy cơ tử vong gấp 200 lần so với trẻ cân nặng trên 2.500gr. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh non tháng nguy cơ mắc phải nhiều bệnh tật, điển hình là suy hô hấp sau sinh, bệnh màng trong, bệnh xuất huyết não dẫn đến bại não. Khoảng 50% các trường hợp tàn phế ở trẻ do vấn đề thần kinh liên quan sinh non. Trẻ sinh non có thể mắc các bệnh tim bẩm sinh, nguy cơ cao mắc các bệnh lý nhiễm trùng… Khoảng 50% các trường hợp sanh non không rõ nguyên nhân. Qua thực tế, các bác sĩ chuyên khoa ghi nhận một số nguyên nhân dẫn đến sinh non như: thai phụ tăng cân kém, làm việc nặng nhọc, mang đa thai, hút thuốc, thiếu máu, nhiễm trùng toàn thân, đường tiểu, viêm âm đạo… Ngoài ra, thai phụ dưới 17 tuổi hoặc trên 41 tuổi, tiền sử nhau tiền đạo, bất thường ở tử cung cũng dẫn đến sinh non. Đặc biệt, người có tiền sử sinh non cũng có nguy cơ cao sẽ sinh non ở những lần mang thai tiếp theo.

Khi thai phụ mang thai chưa được 37 tuần, gặp đau bụng từng cơn hoặc trì nặng bụng dưới (xuất hiện đều đặn 5 - 10 phút/lần, kéo dài 30 giây); hoặc đôi khi đau lưng thấp âm ỉ, kéo dài; ra dịch nhầy âm đạo, máu hoặc nước ối, là những dấu hiệu dọa sanh non. Khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu trên, chị em cần nhanh chóng đến BV để được bác sĩ khám và theo dõi. Bác sĩ Huỳnh Thanh Liêm khuyến cáo, thai phụ cần khám thai định kỳ đầy đủ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, giúp phát hiện nguy cơ sanh non và cách phòng, tránh. Đồng thời, bác sĩ khuyến cáo chị em nên kiểm soát cân nặng trong thai kỳ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, không sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích; tuân thủ chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; tránh lao động quá sức, giữ tinh thần thoải mái, đặc biệt theo dõi sát các bệnh lý mắc phải.

Ngày nay, y học phát triển, tỷ lệ nuôi sống trẻ dưới 1.500gr tăng đáng kể nhờ sự phối hợp của nhiều liệu pháp như: corticosteroids trước sinh; chăm sóc chu sinh tại chỗ; các phương pháp thông khí cơ học cải tiến; surfactant ngoại sinh có sẵn và liệu pháp dinh dưỡng cải thiện. Bác sĩ Huỳnh Thanh Liêm cho biết, để nâng cao hiệu quả điều trị các trường hợp thai non tháng, tháng 9-2016, BV Phụ sản TP Cần Thơ thành lập đơn nguyên điều trị dọa sanh non, với mục tiêu điều trị trì hoãn cuộc chuyển dạ, chờ đủ liều hỗ trợ phổi thai nhi, góp phần giảm nhẹ hội chứng suy hô hấp trẻ sơ sinh. Đến nay, đơn vị tiếp nhận điều trị trên 350 trường hợp, với tỷ lệ thành công trên 90%. Hiện Đơn nguyên điều trị dọa sanh non hoạt động lồng ghép với khoa Sanh, nhờ vậy, thai phụ được theo dõi chặt chẽ với đội ngũ bác sĩ, nữ hộ sinh chuyên nghiệp. Ngoài ra, với điều kiện máy móc hiện đại, thuốc giảm gò thế hệ mới, các trường hợp dọa sanh non được điều trị đạt hiệu quả cao, ít tác dụng phụ.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết