29/12/2020 - 08:41

Phòng tránh biến chứng gây mù mắt của bệnh đái tháo đường 

Kết quả từ nhiều nghiên cứu y khoa, có khoảng 20% người mắc đái tháo đường (ĐTĐ) gặp phải các biến chứng ở mắt. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, những tổn thương của bệnh ở đáy mắt tiến triển nặng nề, có thể dẫn đến mù lòa.

Bác sĩ Trạm Y tế phường An Cư, quận Ninh Kiều, kiểm tra sức khỏe cho người bệnh ĐTĐ.

Bác sĩ Trạm Y tế phường An Cư, quận Ninh Kiều, kiểm tra sức khỏe cho người bệnh ĐTĐ.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Nhất Châu, Trưởng khoa Dịch kính - Võng mạc Bệnh viện Mắt Trung ương, bệnh ĐTĐ ảnh hưởng đến hệ thống mạch máu toàn thân. Bệnh gây nhiều biến chứng tại mắt, trong đó bệnh võng mạc chiếm đến 90% các trường hợp, là nguyên nhân chính gây mù lòa. Tuy nhiên, tất cả biến chứng về mắt do ĐTĐ nếu phát hiện và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ mất thị lực.

TS.BS Nguyễn Thị Nhất Châu chia sẻ, trong quá trình khám chữa bệnh, bác sĩ ghi nhận rất nhiều trường hợp hiểu chưa đầy đủ cũng như điều trị sai lầm về bệnh lý này. Nhiều người bị biến chứng mù hoàn toàn nhưng không biết đã mắc ĐTĐ thời gian dài. Tuy nhiên, có trường hợp biết bệnh nhưng trì hoãn chưa đi khám mắt, không tuân thủ điều trị, do nhận thức, điều kiện kinh tế khó khăn. Người bệnh ĐTĐ chủ yếu ở độ tuổi lao động, khoảng 40-70 tuổi, có xu hướng trẻ hóa. Bệnh võng mạc ĐTĐ là một biến chứng mắt thường gặp và rất nghiêm trọng, gây suy giảm thị lực nhanh, nguy cơ mù lòa cao. Bảo vệ võng mạc từ sớm thông qua kiểm soát đường máu được xem là cách thức phòng ngừa chủ động và hiệu quả biến chứng này cho mắt. Ngoài ra, nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến bệnh võng mạc ĐTĐ như cao huyết áp, thiếu máu, mỡ máu cao. Do đó, bệnh nhân cần được khám bệnh định kỳ và kiểm soát tốt bệnh lý nền để ngăn chặn bệnh võng mạc ĐTĐ phát triển. 

Hiện nay, bệnh võng mạc ĐTĐ có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả. Theo BS Nhất Châu, trước hết bệnh nhân phải được điều trị tốt bệnh ĐTĐ, kiểm soát tốt đường máu. Việc điều trị các biến chứng ở mắt do ĐTĐ hiện có nhiều phương pháp như bằng thuốc, phẫu thuật, laser… Bệnh nhân được điều trị sớm, theo dõi chặt chẽ diễn tiến bệnh có thể duy trì thị lực tốt hơn, giảm thiểu tình trạng mù lòa. Trường hợp bệnh lý nặng có thể phẫu thuật và sử dụng thuốc hỗ trợ, mang lại hiệu quả đột phá giúp bệnh nhân không bị mù.

Nhằm phòng tránh các biến chứng gặp phải ở mắt do bệnh lý ĐTĐ, BS Nhất Châu khuyến cáo, người bệnh ĐTĐ cần tầm soát sớm bệnh lý ở mắt. Ngay khi phát hiện mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2 cần khám ngay sức khỏe mắt và kiểm tra định kỳ hằng năm nếu chưa có biến chứng về võng mạc ĐTĐ. Còn bệnh nhân ĐTĐ tuýp 1 thì sau 5 năm kể từ khi phát hiện nên đi kiểm tra mắt lần đầu, sau đó kiểm tra hàng năm. Khi đã phát hiện bệnh về mắt, cần theo dõi, kiểm tra định kỳ theo lời khuyên bác sĩ để phát hiện sớm tổn thương, giữ thị lực ở mức tốt nhất. Xuất hiện bất cứ bất thường gì ở mắt đều cần đến khám ở bác sĩ chuyên khoa mắt. Nếu chậm trễ, nhiều bệnh lý không xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm như tắc động mạch, là một tình trạng cấp cứu trong nhãn khoa, chỉ có 2 giờ thời gian vàng để điều trị hồi phục thị lực. Bệnh lý bong võng mạc cũng là cấp cứu nhưng có thể trì hoãn 1-2 ngày. Tuy nhiên, thực tế nhiều người thấy mắt mờ chưa đi khám ngay, kéo dài thời gian càng lâu thì khả năng hồi phục càng kém.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết