18/11/2020 - 08:33

Phòng ngừa nguy cơ tái gãy xương ở người lớn tuổi 

Những người lớn tuổi bị gãy xương thường đối mặt với nguy cơ gãy xương lần hai nghiêm trọng hơn trong 2 năm tiếp theo, nhưng các chuyên gia cho biết rủi ro này hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

Theo Tiến sĩ Ethel Siris - giám đốc Trung tâm loãng xương Toni Stabile thuộc Ðại học Columbia (Mỹ), đối tượng có nguy cơ gãy xương cao nhất là những người từng gãy xương. Và lần gãy xương thứ hai có thể gây thương tật vĩnh viễn cho bệnh nhân, khiến họ mất khả năng tự chủ trong sinh hoạt.  

Bà Siris cho rằng vấn đề là sau khi chữa lành xương gãy, rất ít bệnh nhân được giới thiệu các liệu pháp có thể giúp ngăn chặn gãy xương tái diễn, điều không chỉ gây hao tổn chi phí điều trị, suy nhược cơ thể mà thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Do đó, để phòng ngừa nguy cơ tái gãy xương ở người lớn tuổi, bà Siris khuyến nghị nên thực hiện 3 biện pháp sau đây:

+ Ðảm bảo nồng độ canxi và vitamin D trong máu bệnh nhân ở mức đầy đủ. Vì tình trạng thiếu hụt hai dưỡng chất này sẽ tạo ra cơ chế có hại cho xương.

+ Dùng các loại thuốc kê đơn giúp tăng cường sức khỏe xương khớp, nhằm giảm thiểu nguy cơ gãy xương do té ngã hoặc khuân vác vật nặng.

+ Thực hiện các bước phòng ngừa như tập thể dục để tăng cường sức mạnh cơ xương, cải thiện khả năng chuyển động và giữ thăng bằng, cũng như chủ động loại bỏ các chướng ngại vật làm tăng nguy cơ vấp ngã ở người lớn ngay trong nhà và xung quanh nhà.

Nếu chẳng may bị gãy xương hông hoặc đốt sống, bệnh nhân cần tìm một chuyên gia vật lý trị liệu hoặc phục hồi chức năng để được tư vấn và thực hiện các bài tập giúp ngăn ngừa gãy xương thêm lần nữa.

Theo khuyến cáo từ Quỹ Loãng xương Quốc tế, người có khung xương yếu vì từng gãy xương cần được đánh giá và can thiệp thích hợp để giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai, cũng như thực hiện một số biện pháp phòng ngừa - bao gồm bỏ hút thuốc, hạn chế đồ uống có cồn, tập thể dục ít nhất 3 lần/tuần.

AN NHIÊN (Theo NYT)    

 

Chia sẻ bài viết