28/05/2022 - 18:20

Phòng bệnh nghề nghiệp thường gặp cho người lao động 

Bệnh nghề nghiệp (BNN) là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đến người lao động. Tại buổi tọa đàm phòng, chống BNN cho người lao động, BS Nguyễn Nhân Nghĩa, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, đã cung cấp thông tin hữu ích về các BNN thường gặp. 

Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ đo thính lực cho công nhân Công ty TNHH Thép Tây Đô. Ảnh: H.HOA

* Bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp:

Yếu tố gây bệnh là bụi bông, đay, lanh, gai trong không khí môi trường lao động.

Thời gian tiếp xúc tối thiểu: 2 giờ đối với trường hợp cấp tính; 5 năm đối với trường hợp mạn tính.

Triệu chứng: ho kéo dài, thở khò khè, khó thở, sưng chân, tăng tiết đàm, mệt mỏi, đau đầu vào buổi sáng. Chẩn đoán bệnh bằng cách đo chức năng hô hấp. Bệnh tiến triển, biến chứng phế quản cấp hoặc mạn tính; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); tâm phế mạn (suy tim do bệnh phổi mạn tính).

Cách phòng bệnh: Kiểm soát nồng độ bụi trong môi trường lao động, mang khẩu trang đúng quy định. Những người làm việc, tiếp xúc với bụi, khi đã xuất hiện các triệu chứng nên chuyển đổi nghề, sẽ tránh được tiến triển nặng không có khả năng hồi phục ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Tuyển dụng những người khỏe mạnh không mắc các bệnh, bệnh phổi mãn tính vào làm việc. Ðồng thời, chủ doanh nghiệp cần liên hệ với cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động để phát hiện sớm những người bị bệnh.

* Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp:

Yếu tố gây bệnh: Bụi vô cơ, hữu cơ, nấm mốc hoặc các hơi khí độc trong môi trường lao động.

Triệu chứng: ho và khạc đờm tái phát từng đợt, ít nhất là 2 tháng trong 1 năm và liên tục trên 2 năm.

Tiến triển, biến chứng: Bội nhiễm phổi; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); khí phế thũng; tâm phế mạn.

Cách phòng bệnh: Kiểm soát nồng độ bụi trong môi trường lao động, mang khẩu trang đúng quy định. Những người làm việc, tiếp xúc với bụi, khi đã xuất hiện các triệu chứng nên chuyển đổi nghề, sẽ tránh được tiến triển nặng không có khả năng hồi phục ảnh hưởng đến sức khoẻ lâu dài. Tuyển dụng những người khỏe mạnh không mắc các bệnh, bệnh phổi mãn tính vào làm việc; tổ chức khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những người bị bệnh.

* Bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật nghề nghiệp:

Nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc: Sản xuất, sang chai, đóng gói, bảo quản, vận chuyển, lưu kho, kinh doanh, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật nhóm phốt pho hữu cơ và cacbamat.

Phòng bệnh: sử dụng bảo hộ lao động: kính, khẩu trang, găng tay, giày, nón.

* Bệnh điếc nghề nghiệp:

Ðây là bệnh nghe kém không hồi phục do tiếp xúc với tiếng ồn có cường độ cao trong quá trình lao động. Yếu tố gây bệnh do tiếng ồn trong môi trường lao động, đặc biệt là lao động làm việc tại sân bay; luyện, cán thép; khai khoáng, mỏ; dệt; xây dựng; cơ khí; huấn luyện bắn súng; bộ đội tăng, thiết giáp, pháo binh...

Triệu chứng: Ù tai, nghe kém, có thể tiến triển thành điếc đặc hoàn toàn.

Vì vậy, cần bố trí máy móc, sắp xếp dụng cụ hợp lý, giảm tiếng ồn từ nguồn phát sinh như giảm tốc độ, bôi trơn dầu mỡ, đệm bằng cao su, chất đàn hồi, lò xo, thay thế kim loại bằng chất dẻo... Giảm tiếng ồn bằng cách cách ly nguồn phát sinh tiếng ồn, bọc kín mí gây ồn, làm hệ thống cửa ra vào...

Cách phòng bệnh: Trang bị phương tiện chống ồn cho công nhân; bố trí công nhân làm việc trong các phòng riêng biệt, bố trí thời gian làm việc hợp lý. Ðịnh kỳ kiểm tra sức nghe của công nhân để phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời. Tổ chức tập huấn cho công nhân hiểu biết về tác hại của tiếng ồn và điếc nghề nghiệp để họ tự giác thực hiện.

* Bệnh da nghề nghiệp:

Bệnh do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài có thể kèm theo các tác nhân khác như hóa chất, vi khuẩn, nấm. Bệnh thường gặp ở công nhân, người lao động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản, thực phẩm; nạo vét mương, cống... Khi tuyển công nhân cần chú ý khám sức khỏe những người có tiền sử dị ứng hen, mề đay, chàm... không tuyển vào nơi có hóa chất hoặc làm việc trong môi trường lao động ẩm ướt. Những người bị "trứng cá ở người trẻ", da mỡ (viêm da dầu) không làm việc với dầu mỡ.

Cách phòng bệnh: Khám định kỳ để phát hiện bệnh để có kế hoạch điều trị dự phòng. Tăng cường biện pháp vệ sinh lao động: có riêng quần áo lao động, tắm rửa sau lao động, cần có xà phòng hoặc thuốc bảo vệ da trong quá trình lao động, bôi trước khi làm việc.

Theo CDC Cần Thơ, một số biện pháp làm giảm thiểu yếu tố nguy hại đưa đến BNN như biện pháp kỹ thuật: làm giảm các yếu tố độc hại như thông gió, hút bụi, máy móc ít tiếng ồn, độ rung... Biện pháp y tế: Xác định các yếu tố độc hại trong môi trường lao động; khám tuyển để loại bỏ những người dễ mẩn cảm với các yếu tố độc hại. Khám định kỳ để phát hiện sớm BNN. Trang bị các phương tiện phòng hộ cá nhân cho công nhân, người lao động.

Theo BS Nguyễn Nhân Nghĩa, nhiều BNN không biểu hiện ngay mà tích tụ, kéo dài từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Nhiều lao động khi còn trẻ, khỏe nên thường ít quan tâm các dấu hiệu BNN. Vì thế, người lao động cần được kiểm tra định kỳ để sớm phát hiện các BNN và có giải pháp bố trí công việc, điều trị phù hợp.

H.H (lược ghi)

 

Chia sẻ bài viết