11/08/2021 - 08:07

Phim truyền hình Việt và những vấn đề cần nhìn lại 

Những năm gần đây, phim truyền hình Việt thu hút người xem bởi có sự đầu tư chỉn chu về nội dung, diễn viên, bối cảnh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều vấn đề cần xem xét để giữ khán giả lâu dài.

Cảnh phim “Cây táo nở hoa”.

“Cây táo nở hoa” (phát sóng trên kênh HTV2) nhận được sự quan tâm của khán giả khi phim chuyển tải thông điệp ý nghĩa về tình thân gia đình. “Cây táo nở hoa” cũng là phim truyền hình hiếm hoi đạt hơn 100 triệu lượt xem khi đi được gần nửa chặng đường. Thế nhưng ở nửa chặng sau, “Cây táo nở hoa” có vẻ đuối sức vì quá dài. Với thời lượng 70 tập, đã phát sóng 2/3 số tập, mà câu chuyện vẫn cứ quanh quẩn không có lối ra. Gia đình Ngọc vẫn cứ xảy đến những bi kịch liên tiếp, còn Ngọc cứ mãi phải hy sinh và hứng chịu mọi bất hạnh đó. Không chỉ có quá nhiều bi kịch đến với các nhân vật chính mà quá trình xây dựng nhân vật cũng khiến nhiều người xem ức chế. Cụ thể, Báu và Ngà cứ liên tục lặp lại sai lầm cũ, mãi không chịu lớn. Cứ thế, phim tạo thành một vòng lẩn quẩn, không lối thoát với nhiều cảm xúc tiêu cực. Khán giả gì thế cũng dần quay lưng vì chờ hoài vẫn chưa thấy cây táo nở hoa, chỉ toàn đau khổ, nước mắt đến nghẹt thở.

Tương tự là “Hướng dương ngược nắng”, được phát sóng trên VTV3. Ban đầu, phim cũng tạo sự quan tâm khi lồng ghép nhiều câu chuyện kịch tính: tranh đoạt quyền và tiền giữa con chung - con riêng, chính thất - tiểu tam… Những cuộc chiến ban đầu hấp dẫn nhưng càng về sau phim càng đuối bởi không có sự liên kết trong đường dây câu chuyện. Những tình tiết trở nên rời rạc, ít kết nối và còn lạm dụng “bi kịch hóa” cuộc đời những người phụ nữ. Phim trở nên lê thê hơn với phần 2 và câu chuyện vẫn khó giải quyết dứt điểm. Càng xem khán giả càng ức chế bởi sự rối rắm, nhất là sự tăm tối của con người.

“Mùa hoa tìm lại” (phát sóng trên VTV3) cũng rơi vào tình trạng này. Phim có độ dài vừa đủ với 28 tập, nhưng lại có quá nhiều bi kịch. Nội dung của “Mùa hoa tìm lại” được đánh giá là chỉn chu, đặc sắc với nhiều diễn biến bất ngờ khó đoán, diễn xuất của diễn viên cũng được đánh giá cao; nhưng hạn chế của “Mùa hoa tìm lại” rơi vào vòng lặp quá bi lụy. Cuộc đời của nhân vật chính là Lệ liên tục rơi vào bế tắc, từ đường cùng này đến ngõ cụt kia bởi những định kiến cũ cứ lặp lại không có tiến bộ; khiến khán giả từ thương cảm chuyển sang ức chế.

Có thể thấy, căn bệnh chung của phim truyền hình Việt chính là tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, trọng về tình tiết,  phân đoạn hơn là sự bao quát tổng thể, thường kịch tính vấn đề hơn thực tế. Chính vì thế các phim hay đuối sức ở phần sau và dễ rơi vào tình trạng lẩn quẩn, dẫn đến cái kết khó được người xem hài lòng. Bên cạnh đó, những phim có sức hút với khán giả sẽ càng bị kéo dài, chèn thêm nhiều quảng cáo. Quảng cáo xen ngang quá nhiều trong một tập phim cũng làm người xem phản cảm.

So với trước đây, phim truyền hình thực sự đã có những chuyển biến tích cực về nội dung, diễn xuất và cả những đầu tư hậu kỳ. Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế cần được thay đổi. Các nhà sản xuất phim cũng nên cân nhắc lại về bài toán quảng cáo, cũng đừng quá lạm dụng các tình tiết tăng sự kịch tính vì đôi khi phản tác dụng. Quan trọng nhất là câu chuyện cần được giải quyết rõ ràng và hợp lý chứ đừng lấp lửng bỏ ngỏ để mở đường cho phần sau nếu phim ăn khách.

BẢO LAM

Chia sẻ bài viết