14/07/2016 - 20:58

Philippines yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA

Trước việc Trung Quốc mạnh miệng phản đối kết luận của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, Philippines hôm 14-7 chính thức kêu gọi Bắc Kinh phải tôn trọng phán quyết, đồng thời cho biết sẽ đưa vấn đề này ra trước hội nghị thượng đỉnh cấp cao Á-Âu (ASEM) bắt đầu từ ngày 15 và 16-7 ở Mông Cổ.

Hội nghị ASEM diễn ra tại Thủ đô Ulaanbaatar là hoạt động ngoại giao đa phương đầu tiên giữa các bên kể từ sau phán quyết của PCA hôm 12-7. Hội nghị có sự tham gia của 53 lãnh đạo quốc gia châu Á và châu Âu, gồm cả những nước đang tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Đại diện Trung Quốc tham dự ASEM lần này là Thủ tướng Lý Khắc Cường, trong khi Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đại diện cho tân Tổng thống Rodrigo Duterte.

Các nhà hoạt động Philippines biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Thủ đô Manila. Ảnh: AFP

Trước thềm hội nghị, Ngoại trưởng Yasay cho biết Mania sẽ nêu vấn đề Biển Đông trong chương trình nghị sự ASEM với nội dung tập trung vào cách tiếp cận của Philippines theo hướng hòa bình dựa trên luật lệ và sự cần thiết về việc các bên tôn trọng phán quyết của tòa trọng tài. Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nêu rõ phán quyết của PCA có thể là nền tảng mở đầu cho quá trình đàm phán với mục tiêu cuối cùng là giải quyết tranh chấp hàng hải ở Biển Đông một cách hòa bình.

Tuy nhiên, Trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu cho rằng hội nghị ASEM "không phải là nơi thích hợp" để thảo luận và tranh chấp Biển Đông không nên đưa vào chương trình nghị sự. Trước đó, Trung Quốc bất chấp lời kêu gọi tuân thủ phán quyết đã sốt sắng cảnh báo "các đối thủ không nên nhân cơ hội này đe dọa Trung Quốc", biến Biển Đông thành "nơi khởi nguồn chiến tranh". Mặt khác, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân còn tố ngược Philippines là "kẻ gây rối" và ngang ngược tuyên bố Bắc Kinh có quyền thiết lập cái gọi là Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông nếu nhận thấy "an ninh bị đe dọa".

Nếu Trung Quốc đơn phương tuyên bố ADIZ như đã làm trên Biển Hoa Đông, tất cả phi cơ khi bay qua Biển Đông đều phải báo cáo thông tin cho chính phủ Trung Quốc kiểm soát. Nhiều chuyên gia quân sự nhận định động thái như vậy sẽ kích động phản ứng từ các nước khác. Đặc biệt, nhiều chuyên gia quan ngại động thái phi pháp của Trung Quốc càng làm leo thang căng thẳng với Philippines và các bên tranh chấp khác ở Biển Đông như Brunei hay Malaysia.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết