01/10/2012 - 09:26

Philippines trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ

Trước sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên Biển Hoa Đông, Philippines đã thông qua sắc lệnh hành chính đổi tên Biển Nam Hoa (Biển Đông theo tên gọi của Việt Nam) thành Biển Tây Philippines, động thái mà nhà phân tích các vấn đề quốc tế Richard Javad Heydarian tại Thủ đô Manila cho là "gây tranh cãi và có nguy cơ gây bất ổn" trong cuộc đối đầu giữa Philippines với Trung Quốc.

Trung Quốc lạnh nhạt với Philippines

Sắc lệnh hành chính đổi tên Biển Nam Hoa thành Biển Tây Philippines đã được Tổng thống Benigno Aquino chính thức ban hành ngày 5-9. Và hành động này khiến vài ngày sau đó ông Aquino không thể gặp được Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Nga như dự kiến. Ông Aquino đã nhấn mạnh rằng biện pháp ấy "có tầm quan trọng thể hiện rõ phần lãnh thổ chủ quyền của Philippines trên Biển Đông, nhưng đồng thời hy vọng nó có thể giúp thúc đẩy quá trình đối thoại chân tình và chia sẻ quan điểm với tất cả sự cởi mở và sự trung thực với Trung Quốc". Với quyết định mới, Philippines sẽ trình lên Liên Hiệp Quốc để khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình trên vùng lãnh hải đang tranh chấp, trong đó có bãi cạn Scarborough.

Một vị tướng Philippines (phải) bắt tay với một vị tướng Mỹ tại Manila.
Ảnh: China.org 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức ra tuyên bố bác bỏ sắc lệnh trên của Chính phủ Philippines, nói rằng Trung Quốc "có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo trên Biển Nam Hoa". Bắc Kinh đã đưa ra yêu sách "đường chín đoạn" (hay còn gọi là Đường lưỡi bò) liếm tới 80% tổng diện tích khoảng 3,5 triệu cây số vuông của Biển Đông.

Mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc

Quân đội Philippines không thể so sánh với phía Trung Quốc, bởi quốc gia Đông Nam Á này chỉ có ngân sách quốc phòng khoảng 1,5 tỉ USD, so với mức chi tiêu lớn thứ hai thế giới sắp đạt 129 tỉ USD vào năm 2015 của Trung Quốc. Các lực lượng vũ trang Philippines được trang bị kém, một phần vì định hướng chiến lược quân sự trước đây của nước này chủ yếu nhằm vào các mối đe dọa trong nước như khủng bố, phiến quân. Ngoài ra, sự yếu kém quân trang còn do tình trạng tham nhũng trong mua sắm quốc phòng và trông chờ quá lớn vào vai trò hỗ trợ an ninh của Mỹ. Sau hai thập niên kể từ khi Mỹ đóng cửa các căn cứ hải quân tại Philippines, Manila vẫn chưa có khả năng phòng vệ tối thiểu. Khi bị Trung Quốc khống chế bãi đá ngầm Mischief năm 2005, Manila không có cách nào khác phải trông cậy vào trung gian hòa giải của diễn đàn đa phương trong khu vực. Chính sách đối ngoại và thương mại của nước này từ đó tập trung vào Trung Quốc nhằm tránh các hành động xâm phạm lãnh thổ từ Bắc Kinh.

Tuy nhiên, vào năm 2010, Trung Quốc lại tăng cường các hoạt động quân sự và bán vũ trang vào các vùng biển lân bang, làm cho các quốc gia Đông Nam Á như Philippines phải tìm cách tự định đoạt số phận của mình. Họ cho rằng chính sách "tấn công quyến rủ" kéo dài 20 năm của Trung Quốc đã chấm dứt và Bắc Kinh đang bắt đầu làm gia tăng căng thẳng tranh chấp lãnh thổ cả trên Biển Đông lẫn Hoa Đông. Nhà lập pháp và trí thức nổi tiếng người Philippines Walden Bello cho rằng Bắc Kinh đang bước vào "kỷ nguyên hậu Đặng Tiểu Bình" với đòi hỏi chủ quyền lớn hơn của "một nước lớn".

Manila trong chiến lược của Mỹ

Cho dù hiện tại, Hiến pháp Philippines cấm cho phép Mỹ thiết lập căn cứ quân sự lâu dài, nhưng chính quyền Manila gần đây đã bày tỏ ý định sẵn sàng chấp nhận "sự hiện diện quân sự luân phiên" của lính Mỹ. Hai căn cứ quân sự hải ngoại cũ và lớn nhất của Mỹ tại Vịnh Subic và Clark được kỳ vọng sẽ đóng vai trò then chốt trong chiến lược tái cân bằng quân sự của Lầu Năm Góc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Manila đã hoan nghênh các tàu chiến và máy báy chiến đấu của Mỹ sang Philippines thăm viếng, huấn luyện và tập trận, trong đó có tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân USS North Carolina. Lầu Năm Góc đang có kế hoạch triển khai các loại chiến đấu cơ tiên tiến nhất đến nước này như EA-I8G với khả năng bay nhanh hơn vận tốc âm thanh và có thiết bị làm nhiễu khả năng phòng thủ của đối phương.

Bất chấp những khó khăn về tài chính, Lầu Năm Góc vẫn tăng gấp ba quỹ hỗ trợ quân sự cho Philippines từ 11,9 triệu USD lên 30 triệu USD. Ngoài việc bán hai tàu tuần tra biển, Washington còn đồng ý cấp cho Manila máy bay tuần duyên P-3 Orion. Thông qua các đợt huấn luyện và tập trận hải-lục-không quân, Mỹ tuyên bố tất cả các hoạt động này là cam kết giúp Philippines tăng cường khả năng phòng thủ đáng tin cậy ở mức tối thiểu.

Cũng trên định hướng đó, Mỹ đã xúc tiến kế hoạch triển khai hệ thống radar cảnh báo sớm X-Band thứ hai chống tên lửa đạn đạo tại miền Nam Nhật Bản và các nhà phân tích tin rằng Philippines có thể là địa điểm lý tưởng nhất trong kế hoạch mở rộng hệ thống phòng thủ của Mỹ sang Đông Nam Á.

ĐỨC TRUNG (Theo Atimes)

Chia sẻ bài viết