22/02/2023 - 22:42

Philippines hồi sinh Vịnh Subic 

MAI QUYÊN (Theo Nikkei, Inquirer)

Căng thẳng gia tăng với Trung Quốc đang tạo cơ hội cho hợp tác thương mại trên Vịnh Subic, giữa thời điểm các quan chức Philippines tìm cách hồi sinh ngành công nghiệp quốc phòng tại nơi từng là căn cứ hải quân ở nước ngoài lớn nhất của Mỹ.

Cerberus Capital Management tiếp quản nhà máy đóng tàu Hanjin đã phá sản tại Vịnh Subic vào năm 2022. Ảnh: Getty Images

Năm 2019, một nhà máy đóng tàu thương mại do Công ty công nghiệp nặng Hanjin của Hàn Quốc điều hành ở Vịnh Subic được rao bán sau khi chủ sở hữu tuyên bố phá sản với tổng số nợ 1,3 tỉ USD. Cơ sở này có vị trí đắc địa khi nằm hướng ra Biển Ðông và cách bãi cạn Scarborough do Trung Quốc kiểm soát 260km.

Thời điểm đó, có đồn đoán về việc 2 công ty Trung Quốc muốn mua lại nhà máy Hanjin. Chính phủ Mỹ lập tức lên tiếng về khả năng thuê sử dụng khu cảng làm nơi sửa chữa và bảo trì tàu chiến, đồng thời tránh để cảng này rơi vào tay Trung Quốc. Về phần Philippines, giới chức vì lý do an ninh cũng muốn giữ khu vực chiến lược trên nằm ngoài tầm kiểm soát của Bắc Kinh. “Tuy Nhà máy đóng tàu Hanjin là xưởng thương mại, nhưng không gì có thể ngăn cản các chủ sở hữu biến nó thành căn cứ hải quân trên thực tế hay cơ sở hàng hải cho các mục đích an ninh khác” - cựu Tư lệnh Hải quân Philippines Alexander Pama cho biết vào thời điểm đó.

Ðến tháng 3-2022, Nhà máy Hanjin được Công ty đầu tư Mỹ Cerberus Capital Management tiếp quản, nay gọi là Khu phức hợp Agila Subic. Trước khi vỡ nợ, Hanjin từng là nhà máy lớn tuyển dụng hơn 30.000 lao động, đưa Philippines trở thành một trong những quốc gia đóng tàu lớn trên thế giới. Hiện tại, có khoảng 18 công ty đang tham gia vào các kế hoạch nối lại các hoạt động sửa chữa và đóng tàu tại Agila Subic. Bước đầu, dự án có thể tạo ra từ 5.000 - 10.000 việc làm.

Động thái chiến lược

Tuy chưa xác nhận kế hoạch cụ thể nào, nhưng người đứng đầu Cơ quan quản lý đô thị Vịnh Subic (SMBA) Rolen Paulino tiết lộ ngoài phục vụ tàu Philippines, Nhà máy Agila Subic sẽ sớm chứng kiến sự hiện diện của các tàu thương mại và hải quân Mỹ khi nhà thầu quốc phòng Mỹ Vectrus nằm trong số các công ty hoạt động tại đây. Cơ sở này cũng sẽ cung cấp hỗ trợ hậu cần chẳng hạn như kho chứa, lều trại và máy phát điện cho lực lượng Mỹ trong các cuộc tập trận quân sự thường xuyên ở Philippines.

Về mặt chiến lược, việc cải tạo Agila Subic được các quan chức Philippines mô tả là “quan hệ đối tác công - tư lớn nhất” giữa 2 đồng minh quân sự lâu đời. Trong đó, một quan chức an ninh cho biết việc chuyển giao nhà máy đóng tàu cho nhà đầu tư Mỹ là diễn biến quan trọng giúp ngăn chặn Bắc Kinh có thêm lợi thế ở vùng ven Biển Ðông. Tại diễn đàn do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức đầu tháng 1, Ðại sứ Philippines tại Mỹ Jose Romualdez coi dự án Agila Subic là nền móng giúp đưa mối quan hệ kinh tế và quân sự của liên minh Mỹ - Phi về đúng vị trí.

Trong những tháng gần đây, Mỹ và Philippines liên tục tăng cường quan hệ quốc phòng khi Manila cảnh giác cao độ trước các động thái cải tạo và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Ðông. Ðầu tháng 2, hai bên trong một tuyên bố chung xác nhận các lực lượng Mỹ được phép tiếp cận thêm 4 căn cứ tại Philippines dựa trên thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) mở rộng. Như vậy Washington có thể sử dụng ít nhất 9 căn cứ quân sự của Philippines và Vịnh Subic có thể là một trong số đó. “Chúng tôi thấy rằng thỏa thuận sẽ giúp đảm bảo hành lang an toàn ở Biển Ðông” - theo Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.

Ðược biết, Vịnh Subic đóng vai trò trung tâm tiếp liệu và bảo trì cho quân đội Mỹ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Vào lúc an ninh khu vực bất ổn như hiện nay, Giám đốc Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải châu Á Gregory Poling cho rằng với bến cảng nước sâu và việc dễ dàng tiếp cận Biển Ðông từ đây, Vịnh Subic có thể lấy lại vị thế mắt xích chính trong chuỗi hậu cần của Lầu Năm Góc ở khu vực. Một đồng minh khác của Mỹ là Nhật Bản hiện cũng rất muốn phát triển ở Vịnh Subic. Theo tờ Nikkei, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đang giúp triển khai một kế hoạch tổng thể mới cho Vịnh Subic và hỗ trợ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines thiết lập một căn cứ ở đó.

Chia sẻ bài viết