30/09/2024 - 11:05

Phát triển thời trang tuần hoàn 

Theo báo cáo từ Coherent Market Insights, thị trường thời trang bền vững toàn cầu được dự đoán sẽ có giá trị 33,05 USD vào năm 2030. Trong đó, thời trang tuần hoàn, giảm thiểu khí thải và tái chế rác, trở thành xu hướng được quan tâm. Nhiều thương hiệu, nhãn hàng cũng đang chạy đua tìm tòi sáng tạo dòng sản phẩm thời trang này.

Chiếc váy dự tiệc được làm polyester tạo từ khí CO2 do LanzaTech Global và Zara hợp tác làm ra

Tinh chế khí CO2, tái chế rác hoặc truy tìm những nguyên liệu mới thân thiện với môi trường là những giải pháp mà các công ty đang chú trọng thực hiện để tạo ra sản phẩm thời trang tuần hoàn, bền vững.

Biến khí thải thành chất hữu ích trong thời trang đang là giải pháp mà nhiều công ty, nhãn hàng hướng đến. Điển hình như việc sử dụng khí CO2 trong điều chế nước hoa của Air Company. Stafford Sheehan, Giám đốc doanh nghiệp Air Company, thông tin khí carbon cũng có thể chuyển đổi thành ethanol, thành phần sau đó sẽ được phối một số nguyên liệu khác để sản xuất thành nước hoa. Hiện Air Company đã ra mắt sản phẩm Air Eau de Parfum, dòng nước hoa đặc chế từ CO2, cứ mỗi 50ml sản phẩm sử dụng 3,6g khí CO2. Không riêng Air Company, hiện LanzaTech Global (Mỹ) cũng đang có lựa chọn tinh chế khí thải. Vải polyester tạo từ khí CO2 do LanzaTech Global làm ra đã xuất hiện trong nhiều bộ sưu tập thời trang của Zara (Tây Ban Nha), H&M (Thụy Điển), Lululemon (Canada)...

Nguyên liệu từ rác thải cũng được vận dụng đa dạng trong thời trang. Một số đơn vị tại Nhật Bản xử lý lượng lớn các bảng mạch điện tử và nấu chảy rác thải để lấy vàng cùng một số kim loại khác. Nguyên liệu này được sử dụng để làm trang sức. Cụ thể, Royal Mint (Anh) đã ra mắt dòng trang sức 866 với nguyên liệu vàng từ công ty tái chế rác thải điện tử Excir và bạc được chiết xuất từ phim X-quang cũ của công ty Betts Metals. Quá trình tái chế rất đa dạng và sáng tạo. Arthur Huang, nhà sáng lập Miniwiz, cho biết: “Chúng tôi muốn chứng minh quá trình tái chế không khó như mọi người nghĩ”.

Bên cạnh tái chế rác thải thì nhiều đơn vị cũng mạnh dạn tìm nguyên liệu thân thiện môi trường để thay thế. Nhà nghiên cứu, tiến sĩ Carmen Hijosa đã từng bước tìm kiếm giải pháp thay thế da động vật bằng một chất liệu mới từ lá dứa. Da từ lá dứa được đặt tên là Pinatex, có tính ứng dụng cao, bền bỉ và thân thiện với môi trường. Pinatex có các thuộc tính cơ bản như da tổng hợp cho phép nhà thiết kế sử dụng chúng như một loại vải thông thường và đang được nhiều nhãn hàng cân nhắc sử dụng để thay thế cho da và các vật liệu đắt tiền khác.

Trong khi đó, hai công ty MycoWorks và Bolt Threads có sáng tạo da sợi nấm, thay thế cho da động vật và da tổng hợp. Da sợi nấm mềm mại và dẻo dai phù hợp để thiết kế các mẫu thời trang hiện đại, sang trọng. Cụ thể, Hermès đã hợp tác với MycoWorks sản xuất mẫu túi Victoria được làm bằng Sylvania, một loại da sợi nấm màu hổ phách độc quyền. Một nguyên liệu khác cũng gây chú ý là vải dệt từ tảo. Công ty Algaeing (Israel) đã chuyển đổi tảo để tạo ra vải dệt có thể phân hủy sinh học và không tạo ra chất thải, chất ô nhiễm. Có thể nói, ngày càng có nhiều vật liệu mới thân thiện môi trường được phát triển đáp ứng nhu cầu đa dạng về bền vững trong thời trang, như: vải làm từ xương rồng hay vỏ hành tây, bã cà phê được làm thành những trang sức độc đáo…

Hãng tư vấn quản lý McKinsey dự đoán đến năm 2025, các tiêu chí bền vững sẽ chi phối đến 20-30% giao dịch mua sắm cao cấp. Theo đó, ngành công nghiệp thời trang cũng đang đẩy mạnh các tiêu chí về bền vững, thân thiện môi trường. Từ tháng 1-2025, Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu các quốc gia thành viên phải tách hàng dệt may khỏi các loại rác thải khác. Một số quốc gia ở khu vực này cũng đang tập trung cho các dự án xử lý rác thải thời trang được tái chế.

BẢO LAM
(Tổng hợp từ Business of Fashion, Euronews, Nikkei)

 

Chia sẻ bài viết