20/03/2016 - 17:01

TP CẦN THƠ

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ XANH

Với áp lực đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, TP Cần Thơ khuyến khích nông dân, nhà vườn phát triển mô hình nông nghiệp đô thị gắn với quy hoạch vành đai xanh của thành phố. Định hướng này bước đầu khẳng định tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

* Hiệu quả kinh tế cao

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, những năm gần đây trên địa bàn thành phố đã hình thành một số mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị. Thành phố hiện có 49 hộ sản xuất hoa lan các loại (Dendro, Vanda, Hồ điệp...) với trên 56.000 chậu; Ông Phan Đức Hiền, Chủ Cơ sở Sản xuất Nuôi trồng hoa Lan T’Ly Orchids, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, cho biết: "Những năm gần đây, nhu cầu chơi lan của người dân thành phố tăng cao. Bên cạnh bán lan chậu để trồng giải trí, chúng tôi còn bán lan cắt cành cho các cửa hàng hoa tươi trong nội ô thành phố. Bán lan cắt cành cho thu nhập khá cao và ổn định. Hiện tại, mặc dù ngày nào chúng tôi cũng cắt nhưng vẫn không đủ lan giao cho các mối". Bên cạnh đó, mô hình sản xuất nấm trong nhà với chủng loại đa dạng (nấm bào ngư, nấm rơm, nấm linh chi…) cũng được khuyến khích phát triển và đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể "Nấm bào ngư Thới An Đông" liên kết tiêu thụ với siêu thị cung ứng 15-20 kg/ngày. Hiện nay, phong trào nuôi cá cảnh được khôi phục từng bước, với 7 cơ sở năng lực cung ứng khoảng 13 triệu cá cảnh bột cho thị trường.

Lan cắt cành chuẩn bị giao cho các cửa hàng hoa trong nội ô thành phố. Ảnh chụp tại Cơ sở Sản xuất nuôi trồng hoa lan T’Ly Orchids, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng.

Ông Trần Văn Bảy Mươi Lăm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Bình Thủy, cho biết: Thực hiện chủ trương về phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, Hội Nông dân quận phối hợp với các ban, ngành đoàn thể và sự hỗ trợ của cấp trên xây dựng một số mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả. Điển hình như Hợp tác xã Rau an toàn khu vực Bình Thường A được đầu tư xây dựng nhà sơ chế đóng gói. Làng nghề Hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ được Trung ương Hội hỗ trợ cho 20 hộ vay 500 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ Nông dân, nhờ đó có bước phát triển về quy mô và bước đầu sản xuất hoa quanh năm; cung ứng cây giống cho các thành viên Hợp tác xã Hoa kiểng trên địa bàn. Ngoài ra, quận Bình Thủy còn hình thành các mô hình kinh tế hộ gia đình (mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái, nuôi heo rừng lai…) cho thu nhập từ 100-320 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Thanh Hừng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư TP Cần Thơ, đánh giá: Các chương trình khuyến nông, khuyến ngư; xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả theo tiêu chuẩn được đẩy mạnh và nhân rộng làm cho việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng đồng bộ, hiệu quả. Người dân đã chú trọng đến thực hành sản xuất theo hướng dẫn an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình GAP, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu. Đây là những tiền đề căn bản để TP Cần Thơ hướng đến nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao gắn với quy hoạch vành đai xanh của thành phố.

* Nhân rộng mô hình

Với mục tiêu hình thành các mối liên kết sản xuất sinh vật cảnh theo hướng nông nghiệp đô thị phục vụ thị trường tiêu thụ tại địa phương; tạo ngành nghề mới cho nông dân nội thị có diện tích sản xuất nhỏ, ngành nông nghiệp thành phố đã triển khai mô hình vùng nông nghiệp đô thị trên địa bàn quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Điền. Mô hình được thực hiện trong giai đoạn 2013-2020. Theo đó, nông dân tận dụng diện tích đất vườn nhà, đất thổ cư thực hiện mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao để nuôi, trồng các loại sinh vật cảnh có giá trị cao cung cấp cho thị trường; tạo cảnh quan môi trường tham quan du lịch, hình thành các "làng nghề nông nghiệp đô thị". Đồng thời, triển khai các mô hình điểm ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để các địa phương trong thành phố đến tham quan, học tập...

Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, cho biết: "Giai đoạn 2015-2020, huyện xác định sản xuất cây ăn trái giữ vai trò quan trọng, làm nền tảng phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp đô thị nói riêng là cơ sở thực hiện định hướng phát triển huyện Phong Điền thành huyện sinh thái. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tiêu này, huyện cần thành phố tiếp sức trong việc thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, đặc biệt các loại trái cây như vú sữa, dâu Hạ Châu, nhãn... Đồng thời hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng; tăng kinh phí trợ giá cây con giống để địa phương sản xuất những sản phẩm nông sản đạt chất lượng từ gốc". Nhiều ý kiến cho rằng, nền sản xuất nông nghiệp đô thị cần nhiều vốn và đòi hỏi phải áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới mang lại hiệu quả. Do đó, ngành chức năng phải làm tốt công tác quy hoạch cũng như việc ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn vốn toàn xã hội cùng tham gia đầu tư.

Theo ông Nguyễn Thanh Hừng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư TP Cần Thơ, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để phát triển nông nghiệp đô thị trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, các đơn vị có liên quan, tổ chức dạy nghề và doanh nghiệp phải chủ động phối hợp với viện, trường để mở các lớp đào tạo, huấn luyện, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, các giống cây con mới cho nông dân, nhà vườn. Song song đó, thành phố cũng cần đầu tư cho công nghiệp sơ chế, bảo quản, vận chuyển sau khi thu hoạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Nhiều ý kiến cho rằng, nông nghiệp đô thị của thành phố nên kết hợp với phát triển du lịch sinh thái để góp phần cải thiện cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Mặt khác, ngành chức năng nên huy động mọi nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế tập trung sản xuất các loại hoa kiểng, rau màu, nấm... theo quy trình GAP trước hết là đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ và từng bước hướng đến xuất khẩu.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết