26/12/2023 - 18:46

Phát triển bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam 

(CT) - Ngày 26-12, Báo Nông nghiệp Việt Nam - Đơn vị thường trực Tổ Điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Cục Trồng trọt và Văn Phòng Bộ NN&PTNT tổ chức diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam”. Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành, các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm giống, lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng của nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Mua bán lúa giống tại một cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Luật Trồng trọt được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 19-11-2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020, thay thế Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004 đã góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển sản xuất giống cây trồng. Luật có 7 chương, 85 điều quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng. Theo Cục Trồng trọt, khi thực thi theo Pháp lệnh Giống cây trồng, đối với giống lúa có tổng số giống công nhận từ 2013-2019 là 150 giống lúa (bình quân 22 giống/năm). Còn sau khi Luật Trồng trọt có hiệu lực, từ năm 2020 đến 2023, đối với giống lúa đã công nhận được 190 giống lúa (bình quân 48 giống/năm), trong đó bao gồm công nhận lưu hành, gia hạn lưu hành và công nhận lưu hành đặc cách. Bên cạnh đó, nước ta cũng công nhận nhiều giống cây trồng khác, trong đó có 96 giống bắp. Dù còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhưng nhìn chung tốc độ công nhận và đáp ứng nhu cầu giống cho thị trường được đảm bảo và có phần thuận lợi hơn trước...

Các đại biểu tham dự diễn đàn tại điểm cầu chính ở Hà Nội.

Tại diễn đàn, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cùng Sở NN&PTNT các địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng… cập nhật, cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp theo Luật Trồng trọt và các quy định của nước ta. Đồng thời, thông tin về việc bảo hộ, chuyển nhượng giống cây trồng nông nghiệp và thực trạng nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống cây trồng nông nghiệp ở Việt Nam, cũng như tiềm năng phát triển. Trao đổi, chia sẻ những cách làm hay và giải pháp nhằm phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam. Nhiều đại biểu kiến nghị, tới đây ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và tạo thuận lợi hơn cho các đơn vị, doanh nghiệp và người dân trong nghiên cứu, phát triển sản xuất, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, cũng như bảo hộ tác quyền giống. Quan tâm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam về giống cây trồng. Rà soát, bổ sung, sửa đổi những nội dung chưa phù hợp trong Luật Trồng trọt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo thuận lợi hơn cho việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển sản xuất và kinh doanh giống cây trồng...

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết