Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG
Quá trình triển khai hoạt động tín dụng chính sách (TDCS), huyện Vĩnh Thạnh nỗ lực đưa nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng. Qua đó, nguồn vốn TDCS ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Cán bộ ngành, đoàn thể các cấp trong huyện thăm hỏi tình hình sản xuất, đời sống của hộ vay vốn ưu đãi.
Ðến Thạnh Lợi trong những ngày tháng 4, chúng tôi như hòa cùng niềm vui, sự phấn khởi của người dân khi địa phương được công nhận xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Diện mạo vùng quê ngoại thành giờ đây khang trang, giao thương thuận tiện; đời sống kinh tế, dân trí được nâng cao, hứa hẹn hướng phát triển mạnh mẽ, khởi sắc. Ông Trần Ðình Triệu, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Cuối năm 2022, xã không còn hộ nghèo. Hội, đoàn thể các cấp hướng dẫn hội viên, đoàn viên sử dụng vốn đúng mục đích, chọn phương thức sản xuất, mua bán phù hợp; con em có điều kiện học hành, được giới thiệu việc làm. Hiệu quả vốn vay ưu đãi là yếu tố tiên quyết trong phát triển kinh tế gia đình bền vững, góp phần đáng kể để đạt xã NTM kiểu mẫu”. Các hội, đoàn thể xã hiện đang quản lý trên 25 tỉ đồng vốn ưu đãi cho 573 hội viên, đoàn viên vay theo nhu cầu, mở rộng sản xuất, chăn nuôi.
Chị Huỳnh Thị Thúy ở ấp C2, đang nuôi 2 con heo sinh sản và 15 con heo tơ. Vốn “mát tay”, mỗi năm chị Thúy bán 2 đợt heo, trừ chi phí, lãi khoảng 1 triệu đồng/con/đợt. Vợ chồng chị Thúy còn canh tác 22 công ruộng, trồng 3 vụ lúa, thu nhập từ 130 triệu đồng/năm. Chị Thúy cho biết: “Tôi vay 60 triệu đồng vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, tính toán xoay vòng vốn, chăm bón lúa, vỗ béo đàn heo. Bên cạnh đó, tôi còn được hỗ trợ vay chương trình học sinh, sinh viên để con trai lớn học đại học”. Chị Nguyễn Hoàng Minh Uyên ở ấp D2, cũng tích lũy kha khá kinh nghiệm nuôi heo. Vừa tắm mát 2 bầy heo mới đẻ 23 con, chị Uyên vui vẻ kể: “Chồng tôi làm phụ hồ, tiền công nhật 300.000 đồng. Tôi vay 70 triệu đồng nuôi heo sinh sản, phụ trang trải chi tiêu sinh hoạt gia đình. Tôi chọn mỗi bầy heo vài con bán giống, còn lại nuôi heo thịt. Mỗi đợt bán heo, tôi lời khoảng 800.000 đồng/con”. Theo chị Ðỗ Thị Bé Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Lợi, nguồn vốn gần 10 tỉ đồng do Hội quản lý đã giúp hội viên vay tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, cải thiện cuộc sống.
Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Vĩnh Thạnh, hiện các xã NTM nâng cao đang quản lý nguồn vốn ưu đãi: Thạnh An trên 34 tỉ đồng, Thạnh Thắng trên 23 tỉ đồng, Thạnh Lộc trên 55 tỉ đồng… hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ðến cuối tháng 3-2023, doanh số cho vay toàn huyện trên 25,7 tỉ đồng, với 915 lượt hộ vay. Tổng dư nợ 10 chương trình TDCS gần 473 tỉ đồng, với 13.047 hộ vay còn dư nợ. 100% dư nợ được ủy thác qua 4 hội, đoàn thể. Trong đó, Hội Nông dân dư nợ 159,5 tỉ đồng, Hội LHPN dư nợ 176 tỉ đồng… Hầu hết hội, đoàn thể các cấp quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn. Toàn huyện có 283 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 56 ấp, trong đó, có 276 tổ xếp loại tốt, khá; có 14 hội, đoàn thể cấp xã và 226 tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn. 11 xã, thị trấn đều bố trí điểm giao dịch, tạo điều kiện để người dân đi lại thuận tiện.
Theo ông Tạ Thanh Tuyến Tính, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh, đầu năm 2023, Phòng được NHCSXH thành phố phân bổ 24,1 tỉ đồng, ngân sách huyện chuyển sang 1 tỉ đồng để cho vay ủy thác. Nguồn vốn TDCS giúp 44 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo mở rộng sản xuất, kinh doanh, 292 lao động được giải quyết việc làm, 28 học sinh, sinh viên mới được hỗ trợ vốn học tập, 553 hộ xây dựng và cải tạo 1.106 công trình nước sạch và vệ sinh… Qua đó, tích cực góp phần giảm nghèo và xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện.
Thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tiếp tham mưu Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Ðảng và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Phòng Giao dịch tích cực phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tập trung giải ngân nhanh các nguồn vốn được phân bổ, đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng TDCS, hoạt động ủy thác, điểm giao dịch, tổ tiết kiệm và vay vốn tại các xã, thị trấn trên địa bàn.