17/07/2019 - 08:37

Phát hiện mới trong chẩn đoán và phòng ngừa Alzheimer 

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu cũng đã tiến gần tới mục tiêu tìm ra phương pháp xét nghiệm máu để tầm soát những người có dấu hiệu của Alzheimer (chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi) và các dạng mất trí nhớ khác.

Ông Doyle (trái) trao đổi với bác sĩ tại Đại học Rush. Ảnh: AP

Ông Doyle (trái) trao đổi với bác sĩ tại Đại học Rush. Ảnh: AP 

Những kết quả đầy triển vọng

Tại Hội nghị quốc tế hiệp hội Alzheimer diễn ra ở Mỹ hôm 15-7, khoảng 5 nhóm nghiên cứu đã trình bày các kết quả mới của nhiều xét nghiệm thực nghiệm, đáng chú ý có một phương pháp xác định nguy cơ mắc Alzheimer chính xác đến 88%. Các công cụ hiện nay như chụp ảnh não và xét nghiệm tủy sống rất tốn kém hoặc không thể áp dụng trong khám tổng quát thường xuyên.

Một trong những phương pháp xét nghiệm máu nói trên tập trung phân tích các kiểu prôtêin bất thường vốn hình thành mảng bám ở não- “thủ phạm” gây ra Alzheimer. Năm ngoái, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã công bố công trình khoa học về khía cạnh này và nay họ giới thiệu các kết quả xét nghiệm đối với 201 trường hợp mắc Alzheimer, các dạng mất trí nhớ khác, suy giảm nhận thức nhẹ hoặc hoàn toàn không có triệu chứng bệnh. Những kết quả này gần như trùng khớp với kết quả của các xét nghiệm hàng đầu hiện được áp dụng là 3 dạng chụp ảnh não và kiểm tra đánh giá tinh thần, theo Tiến sĩ Akinori Nakamura tại Trung tâm nghiên cứu lão khoa quốc gia Nhật Bản. Cụ thể, phương pháp xét nghiệm máu này đã xác định đúng 92% bệnh nhân bị Alzheimer và loại trừ được 85% trường hợp không mắc bệnh, đạt tỷ lệ chính xác 88%. Bệnh nhân người Mỹ Tom Doyle cho rằng nếu có phương pháp xét nghiệm máu này, các bác sĩ đã chẩn đoán đúng bệnh của ông cách đây hơn 4 năm. Cụ ông 66 tuổi được chẩn đoán mắc các bệnh khác nhau, trong đó có mất trí nhớ thể Lewy. Hiện tập đoàn Shimadzu đang nghiên cứu để thương mại hóa phương pháp xét nghiệm này.

Trên thế giới có khoảng 50 triệu người sống chung với chứng mất trí nhớ và dự kiến đến năm 2050 con số này sẽ tăng lên gấp 3 lần. Chi phí điều trị bệnh mất trí nhớ trên toàn cầu hồi năm ngoái đã xấp xỉ 1.000 tỉ USD và có thể nhảy lên 2.000 tỉ USD vào năm 2030. Trong đó, Alzheimer là dạng bệnh phổ biến nhất. Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị hiệu quả chứng mất trí nhớ, trong khi thuốc chỉ có thể giúp xoa dịu tạm thời triệu chứng của bệnh.

Lối sống lành mạnh- vũ khí phòng bệnh

Giới nghiên cứu tin rằng phòng tránh chứng mất trí nhớ đòi hỏi phương pháp “hỗn hợp” gồm kết hợp thuốc và thay đổi lối sống. Cũng tại hội nghị nói trên, các nhà khoa học Mỹ khuyến cáo kết hợp 5 thói quen sinh hoạt, bao gồm ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và tránh xa thuốc lá, có thể "thổi bay" 60% nguy cơ mắc Alzheimer. Giáo sư Klodian Dhana và các cộng sự tại Đại học Rush đưa ra kết luận trên sau khi thực hiện nghiên cứu đối với 2.765 người lớn tuổi trong khoảng 10 năm.

Thêm một lợi ích của lối sống lành mạnh là nó có thể kéo giảm nguy cơ mắc Alzheimer ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh này do di truyền. Sau khi thực hiện khảo sát gần 200.000 người ít nhất 60 tuổi, nhóm nghiên cứu tại Đại học Y khoa Exeter (Anh) kết luận rằng nguy cơ mắc bệnh giảm 32% ở những người thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nếu họ tuân thủ lối sống lành mạnh, so với những người không theo đuổi lối sống này. Lối sống lành mạnh bao gồm áp dụng chế độ ăn thích hợp (nhiều cá và rau củ), tập thể dục đầy đủ, hạn chế bia rượu và không hút thuốc. Những người có nguy cơ mắc bệnh cao và có lối sống không tốt cho sức khỏe có nguy cơ bị mất trí nhớ cao gấp 3 lần so với những trường hợp mang nguy cơ gien mắc bệnh thấp và có lối sống tốt cho sức khỏe.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, Telegraph)

Chia sẻ bài viết