18/08/2010 - 08:40

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng TP Cần Thơ:

Phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố phát triển

 

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác Thi đua – Khen thưởng (TĐ-KT) trong tình hình mới, 5 năm qua, các cấp, các ngành trong thành phố luôn quan tâm thực hiện tốt công tác TĐ-KT; tổ chức, phát động nhiều phong trào thi đua sâu rộng, đều khắp, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn thành phố.

Nhân dịp TP Cần Thơ tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ III, giai đoạn 2006 - 2010, phóng viên Báo Cần Thơ đã phỏng vấn đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng TĐ-KT thành phố Cần Thơ, về kết quả thực hiện công tác TĐ-KT trên địa bàn 5 năm qua. Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết:

- 5 năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp trong thành phố đã đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo công tác TĐ-KT; bám sát thực tiễn ở cơ sở, phát hiện, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến; phát động sâu, rộng các phong trào thi đua, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Hằng năm, thành phố đều có kế hoạch cụ thể chỉ đạo phong trào, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào thi đua và sơ, tổng kết từng phong trào; qua đó kịp thời tổng kết, đánh giá những mặt mạnh, yếu, đề ra bài học kinh nghiệm cho các đợt thi đua tiếp theo. Công tác quán triệt, học tập Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành cho đội ngũ cán bộ làm công tác TĐ-KT được thành phố thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã ban hành một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác TĐ-KT, tạo sự thống nhất hơn trong nhận thức và áp dụng pháp luật về TĐ-KT. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác TĐ - KT được bổ sung, kiện toàn và củng cố.

Điểm nổi bật của phong trào thi đua thời gian qua là hoạt động của các cụm, khối thi đua đã dần đi vào nề nếp. Việc ký kết và thực hiện giao ước thi đua được tiến hành nghiêm túc; nội dung và tiêu chí thi đua sát thực, rõ ràng; có quy chế hoạt động cụ thể cho từng khối, cụm và được các cấp, các ngành triển khai xuống các đơn vị cơ sở nhằm thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương. Cùng với các phong trào thi đua, công tác khen thưởng của thành phố đã có nhiều đổi mới. HĐND, UBND thành phố đã ban hành các quyết định cụ thể về cơ cấu thưởng cho các chuyên đề thường xuyên và đột xuất. Đồng thời, việc khen thưởng những thành tích đột xuất, cũng như khen thưởng sơ, tổng kết các phong trào thi đua trên các lĩnh vực từ cơ sở đến thành phố cũng được đặc biệt quan tâm chỉ đạo và trở thành động lực tinh thần, khích lệ mỗi tập thể, cá nhân khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của mình...

Tuy nhiên, công tác TĐ-KT của thành phố cũng còn một số hạn chế, các phong trào thi đua tổ chức chưa đều, chưa liên tục; nội dung, hình thức và phương pháp chưa đáp ứng kịp tình hình mới. Một số đơn vị, địa phương có phong trào thi đua tốt nhưng chưa quan tâm tổng kết, rút kinh nghiệm để phát triển phong trào mạnh hơn. Việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến chưa được chú trọng, nên tác dụng và sự ảnh hưởng của điển hình tiên tiến trong thực tế còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác khen thưởng chưa gắn với phong trào thi đua, việc tiến hành xét khen còn bị động, thiếu kịp thời, có trường hợp còn nể nang; chưa thực hiện tốt nguyên tắc công bằng, dân chủ và công khai...

* Các phong trào thi đua đã mang lại hiệu quả như thế nào trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố thời gian qua, thưa đồng chí?

- Có thể khẳng định, các phong trào thi đua đã tạo nên động lực mạnh mẽ động viên toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân thành phố phát huy ý chí tự lực, tự cường, khả năng sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, giành được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đề ra.

Điển hình trong 5 năm qua, kinh tế thành phố đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15,13%/năm, cao hơn 1,65% so với mức tăng trưởng bình quân 5 năm trước (2001 - 2005). Nhiều phong trào thi đua đã được triển khai với quy mô lớn, có hiệu quả thiết thực, như “Phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phong trào phát huy sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất”... đã góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố nhiều năm liền giữ mức tăng trường khá cao, bình quân 18,57%/năm. Các phong trào thi đua trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã góp phần đáng kể vào việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 của ngành; cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực và hiệu quả, giá trị sản xuất/1ha đất nông nghiệp từ 42,28 triệu đồng (năm 2005) tăng lên hơn 100 triệu đồng (năm 2010). Đặc biệt, phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng” đã giúp cho hàng ngàn hộ nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu, xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân dám nghĩ, dám làm, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm làm giàu và giúp những người khác biết cách làm ăn, ổn định cuộc sống. Các phong trào thi đua trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch như: văn minh thương nghiệp; nâng cao chất lượng phục vụ ở các nhà hàng, khách sạn, phát triển tuyến và các loại hình du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái,... đã tạo động lực cho hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch của thành phố phát triển nhanh theo hướng đa dạng hóa loại hình, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân. Giá trị sản xuất trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch tăng bình quân 16,25%/năm, gấp 2,1 lần so năm 2005.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Gia đình hiếu học”, “xây dựng xã hội học tập”... được đông đảo các tầng lớp nhân dân, giáo viên, học sinh đồng tình hưởng ứng, chất lượng giáo dục trên địa bàn tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Phong trào thi đua trong ngành y tế chủ yếu hướng vào mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đẩy mạnh công tác y tế dự phòng trong cộng đồng dân cư. Phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, cơ quan, khu phố, xã, chợ, doanh nghiệp văn hóa, được triển khai sâu rộng, lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... được phát triển cả về chất và lượng, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa từ 187.000 hộ năm 2005 đã tăng lên 212.000 hộ trong năm 2009; 38 xã, phường/85 xã, phường đạt tiêu chuẩn văn hóa. Các phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính, như phong trào “Thi đua quyết thắng”, phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc”, vận động toàn dân “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”... được kế thừa và phát triển sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, góp phần giữ gìn sự ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

5 năm qua, các tổ chức Đảng trong thành phố cũng đã khơi dậy phong trào thi đua thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, như: “Xây dựng chỉnh đốn Đảng”, “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cơ sở Đảng”, phong trào “Dân vận khéo” gắn với thực hiện quy chế dân chủ và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... xuất hiện nhiều đảng bộ và hàng trăm gương đảng viên điển hình tiên tiến phấn đấu hết sức mình vì sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc. Trong công tác xây dựng chính quyền, phong trào thi đua “văn hóa công sở”, xây dựng “người công chức kiểu mẫu”... đã thực sự đem lại một hình ảnh mới trong hoạt động của chính quyền các cấp...

Qua các phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, lập nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, được biểu dương, khen thưởng.

Với những nỗ lực và thành tích đó, năm 2009, TP Cần Thơ vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng II; được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I; xếp hạng nhất trong khối cụm thi đua 5 thành phố lớn...

* Thưa đồng chí, trong giai đoạn 2010-2015, phong trào thi đua và công tác khen thưởng cần tập trung những nhiệm vụ trọng tâm nào?

- Trong 5 năm tới, TP Cần Thơ sẽ nỗ lực phấn đấu xây dựng nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng gắn với cải thiện chất lượng và bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vững ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; xây dựng củng cố hệ thống chính trị không ngừng lớn mạnh. Để đạt được mục tiêu chung mà thành phố đã đề ra, công tác TĐ-KT phải tiếp tục được đổi mới để trở thành động lực quan trọng thúc đẩy các cấp, các ngành và nhân dân vươn lên, xây dựng thành phố ngày càng phát triển. Vì thế, công tác TĐ-KT cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, là: Tiếp tục tổ chức quán triệt và đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phong trào thi đua yêu nước; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21 tháng 5 năm 2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến; Luật TĐ-KT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác TĐ-KT; thường xuyên coi trọng việc xây dựng, nhân rộng, giữ vững và phát huy các điển hình tiên tiến; phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc giới thiệu, quảng bá và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Phong trào thi đua phải nhằm tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, cụ thể, thiết thực của xã hội và địa phương: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng; cải cách hành chính; giảm tai nạn, ùn tắc giao thông; chống ô nhiễm môi trường; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng chống dịch cúm gia cầm; phòng chống bão lụt, khắc phục hậu quả của thiên tai; xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Tiếp tục đổi mới, phát huy và nâng cao chất lượng hoạt động của các cụm, khối thi đua, góp phần làm cho thi đua, khen thưởng thực sự là động lực tinh thần để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát phong trào thi đua và công tác khen thưởng ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác TĐ-KT theo hướng là một tổ chức chuyên ngành, độc lập, đảm bảo thực hiện tốt những nội dung quản lý nhà nước về TĐ-KT.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua trong 5 năm qua, nhất định thời gian tới, thành phố sẽ có những bước tiến mới trong công tác TĐ-KT, góp phần xây dựng TP Cần Thơ ngày càng phát triển.

* Xin cảm ơn đồng chí!

HOÀNG THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết