21/07/2019 - 10:32

Pháp tìm kiếm đồng minh ở châu Á 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng rồi đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Nhật Bản, một năm sau chuyến công du châu Á tới Trung Quốc, Ấn Ðộ và Úc. Có thể nói rằng, chuyến thăm được cho là muộn màng này thể hiện cam kết của Tổng thống Macron trong việc thúc đẩy quan hệ song phương giữa Paris với Tokyo.

Pháp-Nhật hợp tác trên mọi lĩnh vực

Thủ tướng Abe (trái) tiếp Tổng thống Macron hồi tháng 6-2019. Ảnh: Foreign Policy

Kể từ khi đắc cử, Tổng thống Macron đã 6 lần gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người là khách mời danh dự tại lễ Quốc khánh Pháp hồi năm ngoái. Năm 2018, hai nước đã kỷ niệm 160 năm quan hệ song phương và mối quan hệ đối tác tiến triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, từ hợp tác kinh tế, thực hiện Thỏa thuận đối tác kinh tế Liên minh châu Âu-Nhật Bản đến chương trình không gian đầy tham vọng. Song, lĩnh vực hợp tác hứa hẹn nhất giữa hai nước có lẽ là về an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nhật Bản nổi lên như một đối tác quan trọng của Pháp trong bối cảnh Paris gần đây thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo đó, Chính phủ Pháp đã thể hiện quyết tâm đẩy mạnh các cam kết ngoại giao và an ninh tại khu vực này, nơi Pháp có 1,6 triệu công dân, vùng lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn. Đến nay, khoảng 8.000 binh sĩ Pháp đồn trú tại khu vực và Paris hiện tiếp tục duy trì một số căn cứ quân sự ở đây. Mặc dù vậy, vị thế của Pháp có nguy cơ giảm dần ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trước sự gia tăng ảnh hưởng không ngừng của Trung Quốc tại khu vực.

Quan hệ hợp tác an ninh  Pháp-Nhật ngày càng được mở rộng và chính thức hóa. Theo đó, vào tháng 7-2018, hai nước đã ký kết thỏa thuận Mua bán và Tương trợ Dịch vụ (ACSA) nhằm cho phép hai bên chia sẻ dịch vụ và vật tư quốc phòng. Trước đó, Paris và Tokyo hồi năm 2016 cũng đã ký thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng. Và trong bối cảnh Nhật Bản nỗ lực đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác an ninh ngoài Mỹ, Tokyo bắt đầu tổ chức các cuộc tập trận quân sự với Paris. Quan trọng hơn, giới chức Pháp và Nhật Bản đang chuẩn bị cuộc đối thoại hàng hải toàn diện vào cuối năm nay nhằm mở rộng hợp tác trên tất cả mọi mặt liên quan đến đại dương, từ chống ô nhiễm rác thải nhựa, giám sát đại dương, bảo vệ đa dạng sinh học tới chống cướp biển. Hai nước cũng có kế hoạch nhân rộng các cảng chiến lược và đang tìm cách đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ năng lực hàng hải ở Đông Nam Á, Nam Thái Bình Dương và châu Phi.

Sáng kiến “trục Paris-New Delhi-Canberra”

Lâu nay, Pháp luôn tập trung cải thiện quân hệ với Ấn Độ, quốc gia mà Paris từ lâu xem là một đối tác quan trọng. Dù giữa hai nước xảy ra nhiều lùm xùm nhưng chuyện New Delhi hồi năm 2015 quyết định mua 36 chiến đấu cơ Rafale từ hãng chế tạo máy bay Pháp Dassault là minh chứng cho thấy mối quan hệ chiến lược Ấn-Pháp ngày càng sâu sắc. Trong chuyến thăm của Tổng thống Macron đến New Delhi vào tháng 3-2018, hai bên đã ký thỏa thuận về hỗ trợ hậu cần giữa quân đội hai nước.

Trong khi đó, các cuộc tập trận quân sự Ấn-Pháp cũng ngày càng trở nên thường xuyên. Cuộc tập trận hải quân song phương Ấn-Pháp lần đầu được tổ chức vào năm 1983. Đến năm 2001, cuộc tập trận này được đổi tên thành Varuna. Kể từ đó, nó được tổ chức hàng năm, hoặc ở Ấn Độ Dương hoặc ở Địa Trung Hải và được mở rộng quy mô, với sự tham gia của cả tàu sân bay, tàu khu trục...

Nhà lãnh đạo Pháp cũng đề xuất tạo ra một liên minh chiến lược mới giữa Úc, Ấn Độ và Pháp nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh. Trong chuyến tăm Úc hồi năm ngoái, Tổng thống Macron đã ủng hộ việc biến “trục Paris-New Delhi-Canberra” thành một cấu trúc vững chắc tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Pháp cũng có nguyện vọng đóng vai trò là một sự bổ sung và cân bằng cho các nước Đông Nam Á không muốn bị mắc kẹt giữa hai ông lớn Mỹ và Trung Quốc. Do đó, chính sách của Paris không nhằm chống lại Trung Quốc mà khuyến khích Bắc Kinh có trách nhiệm hơn đối với vấn đề quản trị toàn cầu trong khuôn khổ hợp tác với Liên minh châu Âu.

TRÍ VĂN (Theo The Diplomat, Foreign Policy)

Chia sẻ bài viết