15/03/2021 - 08:29

Pháp tăng cường hiện diện ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương 

Sau khi điều tàu ngầm hạt nhân tấn công Emeraude tới Biển Ðông hồi đầu tháng 2, giới chức Pháp mới đây cho biết sẽ triển khai chiến hạm chỉ huy và đổ bộ Tonnerre cùng tàu khu trục Surcouf tới khu vực.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Emeraude được Pháp điều tới Biển Ðông hồi đầu tháng 2. Ảnh: SCMP

Tập trận với “Tứ giác kim cương”

Theo tờ Telegraph, 2 chiến hạm trên sẽ đi qua Biển Ðông 2 lần vào tháng 5 tới - động thái nhằm khẳng định sự hiện diện của Pháp trong khu vực và sẽ tham gia các cuộc diễn tập quy mô lớn cùng hải quân các quốc gia đối tác trong khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương thuộc “Tứ giác kim cương”, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Ðộ và Úc. Trong cuộc họp trực tuyến hôm 18-2, các ngoại trưởng thuộc “Tứ giác kim cương” đã nhất trí “cực lực phản đối những ý đồ dùng vũ lực và đơn phương thay đổi hiện trạng” ở Biển Ðông và biển Hoa Ðông.

Ðợt triển khai tàu Tonnerre và Surcouf tới Biển Ðông nằm trong chiến dịch Jeanne d’Arc thường niên của Hải quân Pháp, nhằm đưa các khí tài tác chiến tới những khu vực có lợi ích chiến lược để đào tạo học viên sĩ quan hải quân cũng như tăng cường giao lưu, hợp tác khu vực.

Thật ra, Pháp có lịch sử hiện diện lâu dài tại Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương đồng thời vẫn có các lãnh thổ hải ngoại tại khu vực này. Năm 2016, tàu quân sự Pháp cùng tàu sân bay Mỹ tuần tra ở Biển Ðông sau khi Washington nêu quan ngại về tình trạng Trung Quốc củng cố yêu sách phi pháp ở Biển Ðông, gồm việc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa. Năm 2018, Pháp tiếp bước Mỹ công bố chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc thắt chặt quan hệ an ninh với các nước trong khu vực. Cùng với các nước châu Âu khác, Pháp cũng đã nhiều lần nhấn mạnh tự do hàng hải phải được duy trì ở Biển Ðông.

Tại diễn đàn an ninh Ðối thoại Shangri-La ở Singapore năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence  Parly tuyên bố nước này sẽ cho tàu đi qua Biển Ðông ít nhất 2 lần/năm. Bà còn kêu gọi các nước có cùng tư tưởng làm như thế nhằm duy trì việc tiếp cận Biển Ðông một cách tự do. Hôm 9-2 vừa qua, bà Parly tuyên bố việc nước này điều tàu ngầm Emeraude  tuần tra tại Biển Ðông là nhằm tăng cường hiểu biết về khu vực và “khẳng định luật pháp quốc tế là quy tắc duy nhất có hiệu lực, bất kể vùng biển nào mà chúng tôi đi qua”. Cuộc tuần tra này được xem là nhằm phản đối tình trạng Trung Quốc ngày càng mạnh bạo ở Biển Ðông.

“Mưu đồ chống Trung Quốc”

Truyền thông Trung Quốc cho biết quân đội nước này sẽ diễn tập tại Biển Ðông suốt tháng 3 để đáp lại các đợt triển khai trinh sát cơ và trinh sát hạm của Mỹ, cũng như đợt điều động nhóm chiến hạm của Pháp tới khu vực. Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng Pháp cần phải tạm dừng và đánh giá lại tín hiệu mà họ đang gửi đến Trung Quốc.

Bộ Lực lượng Vũ trang Pháp cho biết ủng hộ “tự do hàng hải” nhưng thuật ngữ này đã trở thành cuộc cạnh tranh chính trị khi mà phần lớn hoạt động tự do hàng hải của Mỹ trong khu vực là nhằm vào Trung Quốc. Dưới cái nhìn của Bắc Kinh, Paris nói chung ủng hộ chiến lược chính trị và quân sự của Washington tại khu vực, từ đó có thể khiến Trung Quốc triển khai các biện pháp kinh tế, chính trị và có thể là quân sự đối với xứ gà trống Gaulois.

Ðối với Trung Quốc, tín hiệu chiến lược quan trọng đầu tiên mà Pháp muốn gửi tới nước này là vào năm 2019 khi Paris triển khai tàu chiến Vendemiaire qua eo biển Ðài Loan. Dù đây không phải là lần đầu tiên tàu chiến Pháp đi qua vùng biển nhạy cảm nhưng động thái của Paris diễn ra vào thời điểm tàu chiến Mỹ thường xuyên qua lại khu vực, khiến Bắc Kinh “không vui”, xem đó là mối đe dọa và trái với chính sách “một Trung Quốc”. Kết quả là, Trung Quốc đã loại Pháp ra khỏi cuộc diễu binh nhân kỷ niệm 70 thành lập Hải quân Trung Quốc.

Trong khi đó, báo chí Trung Quốc cáo buộc Pháp góp phần cho “những mưu đồ chống Trung Quốc” của Mỹ và khẳng định quốc gia châu Âu này không có chỗ ở Biển Ðông. Dù vậy, giới phân tích cho rằng Pháp vẫn sẽ củng cố hiện diện quân sự ở Biển Ðông để phản đối yêu sách của Trung Quốc ở vùng biển này.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết