12/01/2023 - 10:08

Pháp nỗ lực cải cách hệ thống hưu trí 

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, DW)

Chính phủ Pháp thông báo sẽ tăng tuổi về hưu từ 62 tuổi hiện nay lên 64 kể từ năm 2030 như một phần trong chương trình cải cách hệ thống hưu trí bị trì hoãn từ lâu của nước này. Tuy nhiên, các nghiệp đoàn đã kêu gọi đình công trên toàn quốc vào tuần tới để phản đối kế hoạch.

Thủ tướng Pháp Borne công bố kế hoạch cải cách lương hưu tại cuộc họp báo ngày 10-1. Ảnh: CNN

Kể từ tháng 9 năm nay, độ tuổi nghỉ hưu sẽ tăng dần mỗi năm 3 tháng để đạt 64 tuổi vào năm 2030. Ðể được hưởng đầy đủ chế độ hưu trí, kể từ năm 2027, công dân Pháp sẽ phải có thời gian làm việc và đóng bảo hiểm xã hội đủ 43 năm hoặc 44 năm đối với những người lao động trước tuổi 15, nghĩa là đều tăng hơn 2 năm so với quy định hiện hành. Những trường hợp không đủ thâm niên công tác thì sẽ phải làm việc đến năm 67 tuổi.

Ðây là hai trong số những nội dung quan trọng trong Dự luật cải cách hệ thống hưu trí mới được Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne công bố hôm 10-1. Tại cuộc họp báo công bố dự luật, Thủ tướng Borne khẳng định tuổi nghỉ hưu cao hơn sẽ giải quyết tình trạng thâm hụt quỹ hưu trí, mặc dù bà biết rõ việc thay đổi hệ thống hưu trí sẽ làm dấy lên những hoài nghi và lo sợ trong số những người dân Pháp. Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, những cải cách được đề xuất sẽ thu về khoảng 19 tỉ USD hàng năm kể từ năm 2030.

Cải cách hệ thống lương hưu là một chủ đề chính trong các chiến dịch tranh cử của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Với quan niệm thường được nhắc đi nhắc lại rằng người Pháp “cần phải làm việc nhiều hơn”, kể từ khi trở thành chủ nhân Ðiện Élysée năm 2017, Tổng thống Macron khăng khăng hệ thống lương hưu phải được sắp xếp hợp lý. Năm 2019, nỗ lực đầu tiên của ông nhằm thay thế hàng chục chế độ riêng biệt bằng một hệ thống tính điểm duy nhất và nâng tuổi hưởng lương hưu của Pháp từ 62 lên 64 đã dẫn tới cuộc đình công ngành vận tải kéo dài nhất trong nhiều thập niên. Vị lãnh đạo trẻ đã từ bỏ nỗ lực vào năm 2020 khi đối mặt với các cuộc biểu tình và đại dịch COVID-19.

Nhưng không bỏ cuộc, ông Macron đã đặt vấn đề cải cách lương hưu làm trọng tâm trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ hai hồi tháng 4 năm ngoái.

Các nghiệp đoàn nổi giận

Kế hoạch cải cách nói trên cần được thông qua tại Quốc hội, nơi đảng “Phục hưng” của Tổng thống Macron đã mất thế đa số.

Ông Jean-Luc Melenchon thuộc đảng cánh tả “Nước Pháp bất khuất” mô tả kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí của chính phủ là “bước thụt lùi xã hội nghiêm trọng”. Bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN), thì cam kết sẽ ngăn chặn “kế hoạch cải cách bất công”. Tuy nhiên, chương trình cải cách có thể nhận được sự ủng hộ của đảng Những người Cộng hòa (LR), bởi lãnh đạo đảng này, ông Eric Ciotti cho rằng nâng tuổi nghỉ hưu là việc làm cần thiết.

Trước đó, các nghiệp đoàn cũng đã tuyên bố sẽ phản đối luật mới và họ lập tức phản ứng với thông báo hôm 10-1 của Chính phủ Pháp bằng cách kêu gọi tiến hành “ngày đầu của cuộc đình công và biểu tình”, tức ngày 19-1. Laurent Berger, Tổng Thư ký nghiệp đoàn lớn nhất của Pháp CFDT, nhấn mạnh “không có gì bào chữa cho chương trình cải cách tàn nhẫn như thế”. Người lao động Pháp đã quay cuồng trước các hóa đơn năng lượng và thực phẩm tăng cao và ở thủ đô Paris hồi năm ngoái, hàng ngàn người đã xuống đường tuần hành rầm rộ để phản đối chi phi sinh hoạt.

Chính phủ Pháp lập luận rằng người dân sống thọ hơn trước đây, do vậy công dân cần phải làm việc lâu hơn để duy trì sức khỏe tài chính của lương hưu. Chính phủ còn nói những quy định về tuổi nghỉ hưu của nước này phóng khoáng hơn nhiều so với phần lớn các quốc gia phát triển có dân số già. Như ở Ðức chẳng hạn, tuổi nghỉ hưu hiện nay là 65 (có kế hoạch tăng lên 67 vào năm 2029) và mức tương tự cũng được áp dụng tại các nước châu Âu gồm Thụy Ðiển, Hungary, Luxembourg, Slovenia. Riêng những quốc gia như Ý, Na Uy, Hy Lạp và Ðan Mạch bắt đầu cho hưởng chế độ hưu trí ở tuổi 67. Tuổi hưởng lương hưu ở Anh hiện nay là 66 và dự kiến sẽ nâng lên 67 vào năm 2028 và 68 trong thập niên 2040.

Chia sẻ bài viết