10/09/2018 - 09:35

Phan Tấn Vinh và hành trình đến triển lãm quốc tế dành cho nhà sáng tạo trẻ 

Những ngày này, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ đang hỗ trợ thủ tục cần thiết để em Phan Tấn Vinh, học sinh Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ dự Triển lãm Quốc tế dành cho các Nhà sáng tạo trẻ năm 2018 được tổ chức tại New Delhi - Ấn Độ. Tấn Vinh dự triển lãm theo lời mời của Quỹ Sáng kiến khoa học toàn cầu (FGSI). Triển lãm có sự hiện diện của các nhà lãnh đạo, quản lý, tổ chức khoa học và các doanh nghiệp, nhà sáng tạo trẻ từ 40 quốc gia trên thế giới.

Từ trung tâm xã Thạnh Phú đến nhà Phan Tấn Vinh trên con đường đal với hai bên là đồng lúa xanh bạt ngàn, tôi được nghe về Vinh từ thầy cô, bạn bè và bà con xung quanh. Vinh sinh ra trong gia đình thuần nông, vừa học vừa phụ giúp cha mẹ việc nhà và việc đồng áng, nhưng em luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn để vươn lên học giỏi. Trong 10 năm học qua, Vinh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ngay từ khi còn nhỏ, Vinh đã thích nghiên cứu, tìm tòi, chế tạo những món đồ chơi đơn giản. Sau này, được học các môn Vật lý, Công nghệ… hiểu được nguyên lý vận hành của những loại máy móc, Vinh càng yêu thích sáng chế.  

Năm học lớp 9 ở Trường THCS Thạnh Phú 1, mô hình “Trò chơi chuyển động liên hoàn” của Phan Tấn Vinh đạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng TP năm 2016 – 2017. Vinh được cử tham gia cuộc thi này ở cấp toàn quốc và xuất sắc mang về giải Nhất cho TP Cần Thơ. Đây cũng là sản phẩm được trưng bày, giới thiệu tại Triển lãm Quốc tế dành cho các Nhà sáng tạo trẻ năm 2018, dự kiến diễn ra từ ngày 16 đến ngày 21-10 ở New Delhi - Ấn Độ.

Vinh chia sẻ, năm lớp 6 được học môn Công nghệ, có kiến thức chuyển động chuyền và biến đổi chuyển động, em nảy ra ý định làm ra một mô hình vừa ứng dụng vào việc học vừa làm trò chơi giải trí. Sau khi  tìm tòi, nghiên cứu cải tiến nhiều lần, sản phẩm được thành hình và dần hoàn thiện. Nguyên lý hoạt động của mô hình dựa trên quá trình chuyển động tròn của mô-tơ biến đổi thành chuyển động tịnh tiến, nâng viên bi từ dưới thấp lên, do trọng lực hút xuống viên bi sẽ thấp dần xuống, chạy theo các đường chuyền rồi về vị trí cũ và cứ tuần hoàn như thế… Phan Tấn Vinh cho biết: “Quá trình sáng tạo mô hình rất khó khăn. Nhìn thấy đơn giản vậy nhưng quá trình làm hư hao rất nhiều, lúc thì viên bi rớt ra ngoài, khi bánh nhông chuyền không được đều nên có lúc quá nhanh, lúc quá chậm, phải tìm bánh nhông phù hợp. Trò chơi của em còn thiếu sự tương tác của người dùng và trò chơi, nên em phát triển theo hướng đó, tạo sự tác động qua lại, cũng như tháo ra gắn lại, để thoạt trông như hai mô hình khác nhau nhưng thực ra chỉ là một. Em đã chuẩn bị tốt nhất để sang triển lãm ở New Delhi - Ấn Độ”.

Trò chơi chuyển động liên hoàn là kết quả của quá trình quan sát, tự tìm tòi sáng tạo kết hợp với các kiến thức được học ở trường, vì vậy sản phẩm còn là mô hình trực quan sinh động phục vụ cho công tác dạy và học. Theo thầy Võ Nhất Thanh – giáo viên Trường THCS Thạnh Phú 1: “Sản phẩm của Vinh không chỉ là một trò chơi mà còn là mô hình có thể  áp dụng vào bộ môn Vật lý, Công nghệ. Từ những chuyển động, những động cơ của sản phẩm, các em học sinh có thể thấy được chỗ đòn bẩy, sự chuyển động liên kết… Đó là cả một quá trình nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm, từ mô hình này giúp các em có thêm đam mê khoa học hoặc tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm”.

Bà Phạm Thị Thu Hiền – mẹ của Phan Tấn Vinh không giấu được niềm hạnh phúc khi nói về con trai: “Vinh luôn cần cù chịu khó trong học hành cũng như giúp đỡ gia đình. Cháu nó hay làm cái này cái kia, lắp ráp mô hình hoài. Ở nhà vợ chồng tôi lo đi làm, làm ruộng và làm mướn, ai kêu gì thì làm nấy, vẫn luôn an tâm về Vinh vì  ngoài đi học, làm việc nhà, cháu lại xuống trường làm mô hình với thầy. Tới chừng Vinh đậu giải thưởng, cũng là thầy chở đi lãnh thưởng...”.

Học tập nghiêm túc và kiên trì theo đuổi đam mê là yếu tố làm nên thành công của Phan Tấn Vinh. Những giải thưởng không chỉ là sự ghi nhận mà còn là động lực để em tiếp tục học tập, gặt hái nhiều thành công hơn trong tương lai.

TRUNG NHÂN

Chia sẻ bài viết