25/04/2011 - 09:50

Phàn tác dụng!

Còn đúng một năm nữa mới tới ngày bầu cử tổng thống Pháp, nhưng các phương tiện truyền thông ở đất nước hình lục giác đã bắt đầu râm ran đoán già đoán non chuyện ai sẽ là tân chủ nhân điện Élysée.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây dự báo sẽ có một cơn địa chấn chính trị mới với cường độ còn mạnh hơn vụ chính trị gia cực hữu Jean-Marie Le Pen lọt vào vòng hai cuộc bầu cử hồi năm 2002. Gây “động đất” lần này sẽ là Marine Le Pen, người vừa tiếp quản chức chủ tịch Mặt trận Quốc gia, đảng bài người nhập cư, từ tay cha mình vào tháng Giêng năm nay. Theo thăm dò hồi tuần rồi của hãng Harris, bà Marine Le Pen sẽ về nhì ở vòng một, sau ông Dominique Strauss-Kahn của đảng Xã hội, và chỉ chịu thúc thủ tại vòng hai. Trong trường hợp đảng Xã hội chọn ứng viên khác thì bà sẽ về nhất ở vòng một, nhưng vẫn thất bại nặng nề ở vòng hai do cử tri Pháp chưa nguôi ám ảnh với bóng ma cực hữu. Thậm chí theo khảo sát hồi đầu tháng 3 của tờ Le Parisien, bà Marine Le Pen sẽ về nhất ở vòng một với 24% số phiếu ủng hộ, vượt qua cả ông Strauss-Kahn (23%). Theo luật bầu cử Pháp, nếu không có ai đạt đa số quá bán ở lần bỏ phiếu đầu tiên, hai người giành được nhiều phiếu nhất sẽ “đấu tay đôi” sau đó.

Cũng theo các cuộc thăm dò này, nếu bỏ phiếu ngay bây giờ, ông Nicolas Sarkozy sẽ bị loại tại vòng một, trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của nền Đệ ngũ cộng hòa (bắt đầu từ năm 1958) thua đau như vậy. Khả năng ông Sarkozy vào được vòng hai chỉ xảy ra khi đảng Xã hội chọn bà Ségolène Royal, người từng bị ông đánh bại hồi năm 2007, làm đại diện. Tuy nhiên, điều đó gần như là không tưởng. Hiện đảng cánh tả này đang cân nhắc giữa cựu Bộ trưởng Tài chính và đang là giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Strauss-Kahn, cựu lãnh đạo của đảng Francois Hollande và đương kim bí thư thứ nhất Martine Aubry. Trong đó, ông Strauss-Kahn được cho là nhân vật sáng giá nhất.

Lý do khiến uy tín của đảng UMP cầm quyền theo đường lối trung hữu giảm sút trong khi sự ủng hộ dành cho lực lượng cực hữu lên cao được cho là do tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh (gần 10%) và những căng thẳng chung quanh cộng đồng người nhập cư ở Pháp. Để thay đổi tình thế, Tổng thống Sarkozy gần đây tỏ ra mạnh tay hơn với người nhập cư, nhưng điều đó chẳng những không kéo được những người ủng hộ Mặt trận Quốc gia về với phe trung hữu mà trái lại còn đẩy những người cổ động UMP sang phe cực hữu.

Việc ông Sarkozy tranh thủ sự ủng hộ của người lao động xứ gà trống Gaulois bằng cách buộc các công ty có 50 người trở lên và đã hồi phục sau khủng hoảng phải thưởng đặc biệt cho các nhân viên cũng bị xem là “lợi bất cập hại”. Ngoài sự phản đối quyết liệt của giới chủ, các nghiệp đoàn cũng cho rằng biện pháp này không công bằng bởi gần phân nửa người lao động Pháp làm việc ở các doanh nghiệp nhỏ; và ngay cả những người làm trong doanh nghiệp lớn cũng không được thưởng nếu công ty của họ làm ăn kém hiệu quả.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết