11/06/2012 - 14:47

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11/6/1912-11/6/2012)

Phạm Hùng - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực

Bút ký * Phạm Trung

Kỳ cuối: NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA QUÊ HƯƠNG VĨNH LONG

Đồng chí Phạm Hùng qua đời đã gần 25 năm nhưng kỷ niệm, hồi ức về vị lãnh đạo bình dị, những lời chỉ bảo, sự quan tâm của đồng chí dành cho cán bộ, nhân dân Vĩnh Long vẫn nồng ấm qua từng câu chuyện kể...Đáp lại sự quan tâm, tình cảm của đồng chí Phạm Hùng, các thế hệ cách mạng trên quê hương Vĩnh Long hôm nay đang ra sức lao động, học tập để xây dựng Vĩnh Long ngày càng phát triển...

Thiếu nhi tỉnh Vĩnh Long nghe thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Phạm Hùng tại Khu tưởng niệm đồng chí Phạm Hùng (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: PHẠM TRUNG 

Những kỷ niệm không phai

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Ký Ức, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, ngụ tại đường Phó Cơ Điều, phường 8, TP Vĩnh Long, vào một chiều đầu tháng 6. Ở tuổi 81, ông Sáu Ức vẫn còn nhớ rõ những chuyện về “anh Hai Hùng”. Trong đó, có 2 chuyện mà ông Sáu Ức cứ nhắc đi, nhắc lại là: Thứ nhất, nhờ quyết định sáng suốt của anh Hai mà quân dân Khu Tây Nam Bộ mới có những đối sách kịp thời, hợp lý với chính quyền Việt Nam Cộng hòa sau Hiệp định Paris. Thứ hai, đó chính là sự quan tâm của anh Hai dành cho sự phát triển của nông nghiệp, nhất là tỉnh Vĩnh Long. Riêng ông còn có kỷ niệm sâu sắc suốt đời không quên. Ông kể: “Tháng 10-1972, Trung ương Cục miền Nam triệu tập hội nghị gồm lãnh đạo các tỉnh miền Nam về Tây Ninh để bàn kế hoạch chớp lấy thời cơ, giải phóng miền Nam sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Sau một tuần đi bộ thì tôi đến được căn cứ. Gặp tôi, anh Hai mừng lắm. Anh hỏi thăm tình hình chiến đấu của quân dân Vĩnh Long. Sau đó, anh mới hỏi tới chuyện gia đình. Lúc đó, anh chỉ hỏi tôi một câu: “Gia đình tôi ở quê vẫn yên ổn chứ?” mà nước mắt anh lưng tròng...”. Khi đó, đồng chí Phạm Hùng trực tiếp xuống thăm nơi ăn nghỉ, dặn dò anh em các tỉnh đi ngủ phải giăng mùng để tránh bị sốt rét ác tính. Thấy anh em dưới Khu Tây Nam Bộ lên quần áo thiếu thốn, chỉ có 2 bộ đồ cũ kỹ để thay đổi, đồng chí Phạm Hùng cho người xuống đo may tặng mỗi người một bộ đồ và động viên: “Anh em hãy giữ vững quyết tâm chiến đấu. Chúng tôi luôn bên cạnh các đồng chí !”.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, từng gặp đồng chí Phạm Hùng nhiều lần khi đồng chí về Vĩnh Long, công tác. Nhưng sâu đậm nhất là lần đầu tiên vào năm 1978, khi ông giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Cửu Long (sau giải phóng Trà Vinh và Vĩnh Long từng được sáp nhập thành tỉnh Cửu Long). Ông Thắng kể: “Mùa khô năm 1978, nhân dân Cửu Long ra quân làm thủy lợi để có nước ngọt phục vụ nông nghiệp. Sau khi về thăm Trà Cú, Cầu Ngang, đồng chí Phạm Hùng biểu dương tinh thần của đồng bào Kinh, Khmer đã tích cực hưởng ứng chủ trương đào kinh làm thủy lợi, phục vụ sản xuất,... Ông Thắng bồi hồi nhớ lại: “Tôi nhớ lúc đó đồng chí Phạm Hùng có cuộc nói chuyện với bà con sau khi kiểm tra một vòng công trình. Đồng chí bảo rằng, trong chiến tranh, đồng bào Kinh, Khmer đã sát cánh cùng nhau chiến đấu thì hôm nay tình đoàn kết đó cần phải tăng cường hơn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Hình ảnh một vị cán bộ lãnh đạo giản dị với dép râu và áo kaki đi bắt tay động viên từng người một, suốt đoạn đường dài còn mãi in đậm trong tâm trí nhiều người dân Vĩnh Long.

Phấn đấu noi gương Bác Hai Hùng

Năm 1976, trong một lần về làm việc tại Vĩnh Long (lúc đó còn mang tên Cửu Long), đồng chí Phạm Hùng đã trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy: “Cửu Long chẳng những vì Cửu Long mà Cửu Long còn vì cả nước và cùng cả nước. Coi trọng nông nghiệp là mặt trận sản xuất hàng đầu, lương thực là sản phẩm số một, để góp phần cân đối lương thực cho cả nước...”. Đáp lại lòng mong mỏi của đồng chí Phạm Hùng, Đảng bộ, nhân dân Vĩnh Long luôn nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Long, năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt hơn 10%, cao hơn bình quân của cả nước; thu nhập bình quân đầu người hơn 28 triệu đồng/người/năm; sản lượng lúa vượt trên 1 triệu tấn với năng suất bình quân 5,6 tấn/ha; tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 378 triệu USD, đạt cao nhất từ trước tới nay và là một trong những tỉnh xuất khẩu gạo lớn của cả nước với sản lượng gần 438.000 tấn. Đây là địa phương nằm trong tốp có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở mức tốt. Riêng 5 tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 2.612 tỉ đồng, tăng trên 16% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thủy sản thu hoạch đạt gần 58.000 tấn, sản lượng thu hoạch cây lâu năm đạt 234.000 tấn,... Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, nói: “Tấm gương cao đẹp của Bác Hai Hùng đã và đang củng cố niềm tin của nhân dân Vĩnh Long với Đảng trên mặt trận sản xuất cũng như bồi dưỡng truyền thống cách mạng, tư tưởng và đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ”.

Chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, tuổi trẻ Công an tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều hoạt động thiết thực. Theo anh Lê Văn Quân, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Vĩnh Long, thực hiện cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ trong lực lượng CAND” có 100% đoàn viên thanh niên (ĐVTN) được học tập và đã nắm vững, thực hiện nghiêm túc nội dung các quy định về điều lệnh nội vụ của lực lượng CAND, nhất là chấp hành chế độ hội họp, học tập, văn minh trong giao tiếp ứng xử,... Phong trào thi đua “Học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND” được các đơn vị triển khai, thực hiện tốt. Tuổi trẻ Công an các đơn vị như: Cảnh sát Bảo vệ cơ động, Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, Cảnh sát Trại giam, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ còn ký kết giao ước thi đua “Học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND” với các đơn vị cùng lực lượng của các tỉnh ĐBSCL dưới các hình thức, như: hỗ trợ trong tuần tra, kiểm soát, chữa cháy, giáo dục cải tạo phạm nhân; thực hiện các công tác đền ơn đáp nghĩa,... Anh Quân cho biết thêm: “Từ tháng 3-2011 đến nay, có 33 công trình thanh niên được BCH các Chi đoàn đăng ký thực hiện, góp phần phục vụ công tác chiến đấu, xây dựng lực lượng, đồng thời tiết kiệm cho nhân dân và Nhà nước gần 1,5 tỉ đồng”. Tuổi trẻ Công an tỉnh Vĩnh Long còn có những phần việc thanh niên thiết thực khác, như: tặng quà, xe đạp, tập vở, học bổng,.. cho thiếu nhi nghèo vượt khó ở vùng sâu, vùng xa.

Anh Nguyễn Trung Kiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Vĩnh Long, cho biết: Tỉnh đoàn Vĩnh Long đã phát động các phong trào tri ân, tìm hiểu thân thế và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng; tất cả các cơ sở Đoàn còn tổ chức cho học sinh tham quan Khu tưởng niệm đồng chí Phạm Hùng. Tỉnh đoàn Vĩnh Long cũng vừa phối hợp cùng Đài Phát thanh-Truyền hình Vĩnh Long tổ chức chương trình giao lưu với tên gọi “Bác Hai Phạm Hùng”. Chương trình có mặt các đồng chí từng công tác với đồng chí Phạm Hùng, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và ĐVTN trong tỉnh.

“Chiến dịch Tình nguyện hè năm 2012” diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phạm Hùng nên tuổi trẻ Vĩnh Long cũng có nhiều hoạt động tại huyện Long Hồ - vùng đất đã sản sinh ra người con ưu tú Phạm Hùng. Anh Kiên chia sẻ: “Sau lễ phát động, chúng tôi tổ chức khám chữa bệnh miễn phí, hướng dẫn cách phòng, chống bệnh tay chân miệng cho bà con và trao học bổng cho học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi tại xã Long Phước, huyện Long Hồ. Các đơn vị cũng tổ chức trồng khoảng 1.000 cây xanh kéo dài từ tuyến đường Đìa Chuối-Miễu Ông đến cầu Ông Me Lớn”. Anh Kiên bộc bạch: “Tuổi trẻ Vĩnh Long hôm nay nguyện noi theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác Hồ, Bác Hai, ra sức học tập, lao động, cống hiến, lập nhiều thành tích hơn nữa, xứng đáng là thế hệ cách mạng kế thừa trên quê hương Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng ...”.

Chia sẻ bài viết