14/11/2010 - 09:29

Phá vạch mục tiêu đầy tham vọng cho G-20

Tại lễ bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi (G-20) ở Seoul hôm 12-11, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tiếp nhận cương vị chủ tịch G-20 trong năm 2011 từ nhà lãnh đạo Hàn Quốc Lee Myung-bak. Chuẩn bị cho vai trò mới, Pháp đang thúc đẩy nhiều nhiệm vụ mà chưa nước nào từng đảm trách cương vị chủ tịch G-20 và Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8) nghĩ tới, đó là cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế và Liên Hiệp Quốc.

Tổng thống Sarkozy phát biểu tại hội nghị G-20 ở Seoul hôm 12-11. Ảnh: Reuters

Khi tiết lộ kế hoạch chuẩn bị làm chủ tịch G-20 hồi tháng 8, Tổng thống Sarkozy tuyên bố sẽ đưa hai mục tiêu đầy tham vọng nói trên lên vị trí đầu chương trình nghị sự G-20. Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị G-20 ở Seoul, Tổng thống Sarkozy khẳng định lại rằng Pháp và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ cùng hợp tác thiết lập tiêu chí cho việc hình thành một cơ chế tiền tệ quốc tế nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các loại tiền tệ, và sẽ có một hình thức đại diện cho G-20 và các nước khác trong năm tới. Theo ông Sarkozy, đó có thể là Ban thư ký G-20, có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo và quy định trách nhiệm giải trình.

Pháp cũng có kế hoạch tiếp tục các vấn đề phát triển theo “Sáng kiến Hàn Quốc” và thiết lập hệ thống an toàn tài chính toàn cầu như đề xuất của Tổng thống Lee Myung-bak hồi năm ngoái. Sự quan tâm hàng đầu của các nước hiện nay là tình trạng mất cân đối thương mại giữa các nước, nguy cơ chiến tranh tiền tệ và chủ nghĩa bảo hộ. Theo ông Sarkozy, G-20 chưa có những bước đi chắc chắn để giải quyết các vấn đề đó, nhưng đã nhất trí rằng các vấn đề cần được giải quyết.

Theo các nhà quan sát, sau hội nghị thượng đỉnh ở Hàn Quốc, sự sốt sắng của ông Sarkozy dường như thúc đẩy G-20 trở thành một định chế như hội đồng điều hành kinh tế chính của thế giới. Ông Sarkozy cho biết Trung Quốc đã nhất trí tổ chức hội thảo với các quan chức tài chính thế giới về các vấn đề tỷ giá hối đoái vào mùa Xuân tới. Hội thảo này có thể sẽ được tiếp nối bằng hai cuộc thảo luận khác của G-20 ở Mỹ và châu Âu dưới sự chủ trì của Pháp.

Tuy nhiên, một số người cho rằng ông Sarkozy định ra nhiều mục tiêu quá cao cho G-20 vào năm 2011, chủ yếu là vì tham vọng chính trị riêng. Họ cho rằng ông Sarkozy đang thúc đẩy “Sáng kiến Pháp” như một “đòn bẩy” cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào tháng 5-2012, khi ông dự kiến sẽ tái tranh cử. Tổng thống Pháp hy vọng lập lại thành công như trong thời gian Pháp giữ cương vị chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), thời điểm Paris góp phần đưa châu lục này vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu, từ đó giúp ông củng cố được sự ủng hộ của cử tri Pháp.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sự chia rẽ giữa các nước G-20 vẫn còn rất sâu sắc, và ông Sarkozy rất khó thuyết phục được Mỹ và Trung Quốc tiến hành cải cách tiền tệ thật sự. Mặt khác, ông Sarkozy cũng khó có thể xóa được hình ảnh là một tổng thống “xa xỉ”. Một khía cạnh thu hút sự chú ý của dân Pháp trong chuyến đi của ông Sarkozy tới Seoul vừa qua là phương tiện đi lại của ông, chiếc chuyên cơ mới có tên là “Air Sarko One” (tạm dịch chuyên cơ số 1 của Sarkozy) và khoản chi phí tới 240 triệu USD.

Vì vậy, mặc dù đưa ra nhiều mục tiêu cho G-20, nhưng ông Sarkozy cũng khôn khéo “giảm nhẹ” sự kỳ vọng của dư luận khi cho rằng “khối lượng công việc quá lớn và không thể hoàn tất trong một năm”.

N. MINH (Theo WSJ, Chosun Ilbo, Telegraph)

Chia sẻ bài viết