03/08/2019 - 10:02

Ông Trump phá vỡ “đình chiến thương mại” với Trung Quốc 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) hôm 1-8 thông báo sẽ áp thuế bổ sung khoảng 10% đối với số hàng hóa còn lại trị giá 300 tỉ USD của Trung Quốc kể từ ngày 1-9 tới và có thể tăng thêm nếu Bắc Kinh không nhanh chóng đạt được thỏa thuận thương mại giữa hai nước. Quyết định này được coi là phá vỡ thỏa thuận “đình chiến thương mại” giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới.

Chủ nhân Nhà Trắng đưa ra tuyên bố trên Twitter hôm 1-8 sau khi ông được Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer thông báo về kết quả vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung mới nhất. Trong khi Nhà Trắng trước đó gọi các cuộc đàm phán tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) vào ngày 30 và 31-7 là “mang tính xây dựng”, thì ông Trump kết luận rằng hai nhà thương thuyết Mỹ thực sự ra về mà không đạt được gì. “Khi hai quan chức Mỹ về nước, họ nói chúng ta sẽ có một vòng đàm phán khác vào đầu tháng 9 tới. Tôi nói tốt, nhưng cho đến khi đạt được thỏa thuận, chúng ta sẽ đánh thuế họ (Trung Quốc)”- Tổng thống Trump nói với báo giới tại Nhà Trắng.

Danh sách các mặt hàng bị ảnh hưởng lần này bao gồm điện thoại di động, máy tính và quần áo trẻ em. Lãnh đạo Mỹ còn nhấn mạnh nếu đàm phán thương mại không tiến triển, ông có thể nâng thuế này theo từng giai đoạn và thậm chí hơn mức 25% mà đã áp đối với khoảng 250 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trước đó. Động thái mới đồng nghĩa gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều bị tỉ phú địa ốc đánh thuế. Gần đây, ông Trump tin rằng Bắc Kinh có thể đang tìm cách “câu giờ” cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 để chốt thỏa thuận.

Phản ứng trước tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Trump, hôm qua Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng chỉ trích Mỹ. “Việc áp thuế chắc chắn không phải là cách thức mang tính xây dựng để giải quyết bất đồng kinh tế và thương mại, đây không phải cách thức đúng đắn” - ông Vương Nghị trả lời báo giới bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các hội nghị liên quan ở thủ đô Bangkok (Thái Lan). Cũng từ Bangkok, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Bắc Kinh bảo hộ nền kinh tế trong nước và áp dụng “chiến thuật lợi dụng” hệ thống thương mại để tạo lợi thế cho các công ty Trung Quốc trên thị trường toàn cầu.

 Kế hoạch áp thuế nói trên coi như đặt dấu chấm hết cho “lệnh đình chiến” tạm thời trong cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Nhật Bản hồi cuối tháng 6, ông Trump tuyên bố nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đồng ý tích cực mua nông sản Mỹ, một phần trong “thỏa thuận đình chiến”. Thế nhưng, truyền thông nhà nước Trung Quốc lại nói không có thỏa thuận như thế và chuyện mua nông sản cũng không được xúc tiến. Do vậy, trong loạt bình luận đăng trên Twitter hôm 1-8, ông Trump cũng chỉ trích Trung Quốc vì đã không mua sản phẩm nông nghiệp Mỹ với “số lượng lớn”, đồng thời phàn nàn Bắc Kinh không nỗ lực ngăn chặn việc bán thuốc giảm đau chứa chất gây nghiện fentanyl sang Mỹ như đã hứa. Fentanyl là loại thuốc giảm đau được dùng trong y tế, song đây cũng là chất ma túy mạnh hơn heroin đến 50 lần. Trong năm 2017 đã có hơn 28.000 người Mỹ chết vì sử dụng thuốc giảm đau nhóm opioid quá liều, phần lớn do các chất liên quan đến fentanyl.

Nhiều tổ chức doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc cảm thấy bất an trước động thái mới của ông Trump. Hôm qua, Hội đồng doanh nghiệp Trung Quốc lo ngại kế hoạch áp thuế bổ sung “sẽ đẩy Trung Quốc khỏi bàn đàm phán”. Giới chuyên gia thì nhận định người tiêu dùng Mỹ sẽ là “nạn nhân” trực tiếp trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang sau khi Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế bổ sung. Chủ tịch Hiệp hội đồ chơi Mỹ - Steve Pasierb - cho rằng những mặt hàng dự kiến bị đánh thuế bổ sung là thành phẩm, chứ không phải là nguyên liệu thô. Do đó, động thái áp thuế mới sẽ “đánh trực tiếp” vào người tiêu dùng. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may và Da giày Mỹ Stephen Lamar, biện pháp trên sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ chịu thiệt hại lớn hơn nhiều so với các nhà sản xuất Trung Quốc - những công ty tạo ra 42% hàng may mặc và 69% giày dép tiêu thụ ở xứ cờ hoa.

THANH BÌNH (Theo Reuters, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết