Theo lịch trình, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tới Nhật Bản vào hôm nay (25-5) trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 4 ngày. Bên cạnh hội đàm chính thức, tham gia đánh golf như thường lệ, chủ nhân Nhà Trắng cùng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe còn xem một giải đấu sumo truyền thống và ông Trump dự kiến trao giải cho võ sĩ thắng cuộc với phần thưởng chế tác riêng cho dịp này: Danh hiệu Hữu nghị Mỹ - Nhật, hay còn có tên “Cúp Trump”. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo có kế hoạch đến căn cứ hải quân Yokosuka, thị sát tàu sân bay trực thăng lớp Izumo đang được Nhật Bản cải tiến để vận hành tiêm kích tàng hình F-35 mua của Mỹ. Theo Washington Post, Tokyo có thể đang “nhắc khéo” ông Trump, rằng họ sẵn sàng mua khí tài quân sự Mỹ phục vụ mục tiêu tăng cường năng lực phòng thủ cũng như cân bằng thương mại song phương.

Tổng thống Trump và đệ nhất phu nhân Melania (phải) tiếp đón Thủ tướng Abe và phu nhân tại Nhà Trắng hồi tháng 4. Ảnh: Washington Post
Trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Mỹ đặc biệt sẽ yết kiến tân Nhật hoàng Naruhito và dự các buổi dạ yến của hoàng gia. Ông Trump là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản kể từ thời điểm Thái tử Naruhito lên ngôi, sau khi cha ông, Nhật hoàng Akihito trở thành vị hoàng đế đầu tiên thoái vị sau 202 năm ở Nhật Bản.
Theo Công sứ phụ trách truyền thông và văn hóa của Đại sứ quán Nhật Bản tại Mỹ Takehiro Shimada, việc Tổng thống Trump được mời thăm Nhật Bản với vai trò quốc khách đầu tiên của triều đại mới là cử chỉ thể hiện tầm quan trọng mối quan hệ Mỹ-Nhật. Về phần mình, trả lời báo giới trước khi lên đường thăm Tokyo, Tổng thống Trump cũng tự hào nói rằng ông là khách mời danh dự tại ''sự kiện lớn nhất Nhật Bản trong hơn 200 năm".
Chuyên gia về Đông Á tại Đại học Stanford, Daniel Sneider, cho biết Thủ tướng Abe hiểu rõ những điều có thể khiến Tổng thống Mỹ hài lòng cũng như thể hiện vị thế lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới. Trong khi đó, nhà nghiên cứu về Nhật Bản Toshihiro Nakayama cho rằng kế hoạch “trải thảm đỏ” nói trên khá hiệu quả, thậm chí có thể coi đây là chiến lược của Thủ tướng Abe vốn được giới doanh nghiệp lẫn đồng minh chính trị xem là cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia, ngay cả khi ông Trump đặt ra mối đe dọa áp thuế có thể đánh vào nền kinh tế Nhật Bản.
Trước đó, ông Trump từng nói rõ bản thân không hài lòng với mức thặng dư thương mại trị giá 68 tỉ USD của Nhật với Mỹ, phần lớn là từ ngành xuất khẩu ô tô và muốn đạt thỏa thuận song phương để giải quyết vấn đề này. Ngoài yêu cầu Chính phủ Abe thúc ép các hãng xe hơi Nhật tăng sản xuất trên lãnh thổ Mỹ để tạo việc làm cho người dân bản địa, Washington cũng muốn Tokyo cắt giảm thuế nông sản Mỹ nhằm cải thiện tính cạnh tranh trong bối cảnh các thành viên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương sẽ được xuất khẩu vào Nhật Bản với mức thuế thấp hơn. Tuần trước, Nhà Trắng quyết định hoãn áp thuế đối với ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản và châu Âu nhưng chỉ trong 6 tháng. Ngay cả khi dỡ bỏ thuế quan đối với thép và nhôm từ Canada và Mexico, ông Trump vẫn duy trì mức thuế đó đối với Nhật Bản, bất chấp sự phản đối của Thủ tướng Abe.
Theo giới quan sát, chưa rõ liệu ông Trump có áp dụng với Nhật Bản cách tiếp cận cứng rắn như trong cuộc thương chiến với Trung Quốc hiện nay hoặc tín hiệu mà ông gởi tới Liên minh châu Âu (EU) khi đả kích khối đồng minh này “tệ hơn Trung Quốc”. Nhưng có điều chắc chắn là với việc tiếp đón ông Trump hết sức trọng thị, Tokyo đang cho thấy họ là “đối tác thân thiện” so với Trung Quốc và EU nhằm đảm bảo các điều khoản có lợi hơn trong tiến trình đàm phán với Washington.
MAI QUYÊN (Theo Reuters, The Hill)