09/07/2019 - 07:17

Ông Trump làm khó bà Merkel 

James Jeffrey, đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Syria, hôm 7-7 đã yêu cầu Ðức xem xét việc triển khai bộ binh tới Syria, gây ra ý kiến trái chiều trong nội bộ liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel.

Binh sĩ Mỹ hoạt động ở tỉnh Deir ez-Zor của Syria. Ảnh: AFP

Theo ông Jeffrey, binh sĩ Đức không nhất thiết phải tham chiến tại Syria, thay vào đó họ có thể giúp lực lượng Mỹ giảm bớt gánh nặng bằng cách hỗ trợ trên không, hậu cần, huấn luyện và kỹ thuật. “Chúng tôi muốn bộ binh Đức thay thế một phần binh sĩ của chúng tôi trong khu vực” - ông Jeffrey phát biểu với giới truyền thông Đức và nhấn mạnh Mỹ muốn có câu trả lời ngay trong tháng này.

Đề nghị trên của Washington lập tức vấp phải sự phản đối từ các đối tác trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Merkel. Trả lời phỏng vấn tờ Die Welt, Fritz Felgentreu, nhà lập pháp cấp cao của đảng Dân chủ Xã hội (SPD), tuyên bố Berlin không có lý do để triển khai binh sĩ đến Syria. Phó Chủ tịch SPD, ông Thorsten Schaefer-Guembel, cũng đưa ra tuyên bố tương tự trên trang cá nhân Twitter. Bên cạnh SPD, đảng Xanh, đảng Dân chủ Tự do và đảng Cánh tả đều giục bà Merkel từ chối lời đề nghị  của Mỹ. Trả lời phỏng vấn tờ Handelsblatt, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder nói rằng Tổng thống Trump muốn “các chư hầu” thay vì đồng minh. Ông Schroeder còn mong Chính phủ Đức nói với ông chủ Nhà Trắng rằng chuyện Đức chi tiêu bao nhiêu cho quốc phòng không phải chuyện của ông ấy.

Đề nghị của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump liên tục hối thúc Đức tăng chi tiêu quốc phòng. Nhà lãnh đạo xứ cờ hoa cho rằng Berlin đã “lơ là” nhiệm vụ đóng góp cho ngân sách Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy vậy, tờ Der Spiegel của Đức cho biết, quân đội Mỹ hồi tháng rồi đã “nài nỉ” Berlin không đình chỉ hoạt động của lực lượng vũ trang Đức đóng tại Jordan tham gia hỗ trợ Washington trong cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria. Thậm chí, Washington còn tìm cách giục Berlin mở rộng nhiệm vụ không quân ở Syria và Iraq với hy vọng sẽ giúp bảo vệ binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại đây. Phía Mỹ khẳng định rằng máy bay trinh sát Tornado của Đức đóng vai trò rất quan trọng ở miền Bắc Syria. Der Spiegel trích dẫn một mật thư gửi Thanh tra Lực lượng Vũ trang Đức hồi tháng 5-2019 cho biết, Tướng Kenneth F. McKenzie, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, viết rằng các chuyến bay do thám và tiếp nhiên liệu của Đức đóng vai trò chính trong việc làm suy yếu IS. “Để tiếp tục hoạt động chống lại các phần tử cực đoan trong khu vực, khả năng quân sự của tất cả các đối tác trong liên quân vẫn rất cần thiết. Tôi trân trọng đề nghị quân đội Đức tiếp tục hỗ trợ trong việc cung cấp các chuyến bay giám sát, tiếp nhiên liệu trên không và huấn luyện quân đội ở Iraq” - ông McKenzie viết.

Việc quân đội Mỹ đánh giá cao vai trò hỗ trợ của binh sĩ Đức được đưa ra khi có tin cho biết chính quyền Berlin muốn kết thúc sứ mạng tham gia liên minh chống IS vào tháng 10 tới. Vả lại, Tổng thống Trump đã tuyên bố giành thắng lợi trước IS hồi tháng 12 năm ngoái, đồng thời thông báo rút toàn bộ 2.000 binh sĩ ra khỏi Syria. Tuy nhiên, do sự phản đối của các tướng lĩnh quân đội và cả giới nghị sĩ, đến nay Mỹ vẫn duy trì 400 quân tại Syria. Hiện nay, Mỹ đặt ra hai mục tiêu tại phía Đông Bắc Syria, gồm hỗ trợ lực lượng người Kurd do Washington hậu thuẫn và ngăn cản IS hồi sinh tại quốc gia chìm trong nội chiến này. Mỹ hy vọng châu Âu sẽ chung tay giúp Mỹ hoàn thành hai mục tiêu trên nên mới ra sức thuyết phục Anh, Pháp và hiện là Đức.

 Tuy nhiên, điều quân tới vùng chiến sự như tại Syria luôn là vấn đề chính trị nhạy cảm tại Đức. Giữa lúc bà Merkel đang vấp phải nhiều sự chỉ trích ngay bên trong nội bộ liên minh cầm quyền xung quanh việc ủng hộ Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu, lời đề nghị của Mỹ xem ra khó trở thành hiện thực.

TRÍ VĂN (Theo Bloomberg, AFP, Sputniknews)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
TrumpMerkel