27/01/2018 - 16:41

Ông Trump “ghi điểm” với giới tinh hoa tại Davos 

Trái với những lo lắng về màn đụng độ giữa chính sách “Nước Mỹ trên hết” và quan điểm ủng hộ toàn cầu hóa, phản ứng có phần tích cực sau diễn văn được mong đợi của Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 48 đã giúp ông chủ Nhà Trắng tiếp cận các doanh nghiệp và giới tinh hoa chính trị toàn cầu thông qua chiến dịch quảng bá sức mạnh kinh tế Mỹ.

Đây là thay đổi lớn so với thái độ lo lắng của các doanh nghiệp về chủ nghĩa dân túy đã làm nên “thương hiệu” Tổng thống Trump trong kỳ bầu cử Mỹ 2016. Trước bài phát biểu của ông Trump, người ta cho rằng những ai tham dự WEF tại Davos (Thụy Sĩ) đã sẵn sàng tâm thế phản bác lại lãnh đạo Mỹ được cho mang thông điệp chủ nghĩa bảo hộ đến một nơi đại diện cho toàn cầu hóa. Vì vậy, sự xuất hiện của ông Trump tại hội nghị ở Davos với tư cách Tổng thống Mỹ được dự đoán tạo cơ hội cho cuộc chạm trán kịch tính giữa một bên đề cao chính sách theo đuổi lợi thế quốc gia, siết chặt rào cản thương mại và nhập cư với một bên ủng hộ hợp tác, giảm rào cản và biên giới cũng như tự do di chuyển lao động.

Ảnh: CNBC

Nhưng thực tế cho thấy, bài phát biểu 15 phút của Tổng thống Trump nhận được sự quan tâm nói chung thông qua câu chuyện về “nước Mỹ đang hồi sinh”. Trái với giọng điệu gay gắt như tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9 năm ngoái, ông Trump bằng thái độ mềm mỏng mang đến Davos lần này thông điệp về “tình hữu nghị và hợp tác” trong lĩnh vực thương mại lẫn an ninh. Thay vì những tuyên bố về giải pháp bảo hộ, Tổng thống Trump trấn an các nhà lãnh đạo chính trị và tài chính thế giới rằng nghị trình “Nước Mỹ trên hết” không đồng nghĩa Washington từ chối hợp tác quốc tế. Không có những phát biểu chỉ trích giới tinh hoa thượng lưu mà ông từng xem là nhân vật “phản diện”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh tầng lớp giàu có và quyền lực hiện diện tại Davos là những người sở hữu sức mạnh “biến đổi cuộc sống và định hình số phận quốc gia”. Bằng giọng điệu lạc quan, ông chủ Nhà Trắng mời gọi đầu tư vào một nước Mỹ “mạnh mẽ và thịnh vượng” bởi không có thời điểm nào thích hợp hơn hiện tại.

Theo nhà kinh tế học Nariman Behravesh của hãng nghiên cứu IHS Markit, mục tiêu của ông Trump xuất hiện tại WEF không chỉ trấn an các doanh nghiệp trong nước mà còn nhắm đến giới kinh doanh toàn cầu về sự hồi sinh của nước Mỹ. Theo Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jyrki Katainen, điều đáng mừng là Tổng thống Trump không tuyên bố cuộc chiến thương mại hay bất kỳ hình thức chiến tranh nào. Điều này nhận được nhiều sự đồng thuận hơn từ mọi người. New York Times đánh giá, bài diễn văn bế mạc của ông Trump đã tạo được hiệu ứng về sự thống nhất giữa chính sách “Nước Mỹ  trên hết” với các đối tác và nhận được hoan nghênh từ giới đầu tư, điều hành doanh nghiệp cũng như lãnh đạo các nước. Trong đó, phần lớn doanh nhân thừa nhận nền kinh tế Mỹ trong năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump tốt hơn so với kỳ vọng. Họ cũng tin tưởng chính quyền Trump sẽ không có bất kỳ động thái nào khiến nền kinh tế trì trệ mà qua đó có thể phá hủy những thành công đã đạt được.

Hàn Quốc, Mỹ cam kết tăng cường khả năng răn đe Triều Tiên

Theo hãng thông tấn Yonhap, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo đã có cuộc hội đàm tại Hawaii hôm 26-1, trong đó hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa khả năng răn đe Triều Tiên trong khuôn khổ các nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa nước này. 

Thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, tại cuộc hội đàm, hai Bộ trưởng đã nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để khiến Triều Tiên thay đổi lập trường và ngồi vào bàn đàm phán về phi hạt nhân hóa. Ông Mattis và ông Young-moo nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục tăng cường các khả năng chung nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ Triều Tiên, cũng như củng cố khả năng sẵn sàng về mặt quốc phòng để hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết