19/04/2020 - 20:15

Ông Macron tham vọng “lãnh đạo thế giới” 

Tuy đối mặt với nhiều thách thức trong việc điều hành đất nước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn đang đặt mình vào vị trí “lãnh đạo thế giới” mà lâu nay thuộc về các lãnh đạo lớn tuổi hơn ở Trung Quốc, Nga hoặc Mỹ.

Tổng thống Pháp Macron (phải) đang nhắm tới vị trí “lãnh đạo thế giới”. Ảnh: Reuters

Công cụ để chính khách 43 tuổi của Pháp thực hiện tham vọng là đề xuất ngừng bắn trên toàn cầu, từ Afghanistan cho đến Syria, Iraq và Yemen, qua đó dồn sức đối phó đại dịch COVID-19. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Pháp RFI hôm 15-4, chủ nhân Điện Élysée bày tỏ quan điểm ủng hộ lệnh ngừng bắn toàn cầu giữa thời điểm COVID-19 hoành hành. Đây cũng là ý tưởng do Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres khởi xướng hồi cuối tháng rồi.

Tổng thống Macron cho biết đã nhận được sự đồng thuận từ lãnh đạo các nước Mỹ, Trung Quốc và Anh về đề xuất ngừng bắn. Hiện ông đang chờ ý kiến của Nga, quốc gia còn lại trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) để xúc tiến hội nghị trực tuyến giữa lãnh đạo của 5 nước này.

Động thái của ông Macron có thể sẽ không loại bỏ được một số thách thức lớn nhất đặt ra cho hòa bình thế giới. Cho dù có thể nhận được sự ủng hộ của toàn thể HĐBA, không có gì đảm bảo nhóm phiến quân Taliban ở Afghanistan hoặc phe ủng hộ họ tại Pakistan sẽ im tiếng súng. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang duy trì sự hiện diện tại Syria, nơi Tổng thống Bashar al-Assad quyết không nhượng bộ các tay súng nổi dậy. Dù vậy, sáng kiến về lệnh ngừng bắn có thể là bước khởi đầu. 

Trong cuộc phỏng vấn với RFI, lãnh đạo quốc gia hình lục lăng còn đưa ra ý tưởng về việc hoãn kỳ hạn trả nợ cho các nước châu Phi để giúp “lục địa đen” chống dịch COVID-19. Theo ông Macron, các nước cũng nên tính đến việc xóa nợ cho châu Phi bởi mỗi năm, 1/3 nguồn thu từ xuất khẩu của họ dùng để trả nợ. Phát biểu của ông Macron được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire thông báo các “chủ nợ” quốc tế lớn đã nhất trí tạm hoãn việc thanh toán nợ của các nước nghèo nhất trên thế giới trong năm 2020, nhằm giúp những nước này có thêm nguồn tài chính để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. Theo Bộ trưởng Le Maire, các nước đã đạt được sự thống nhất về việc tạm hoãn thanh toán nợ ở cấp chính phủ và các chủ nợ tư nhân với tổng số tiền 20 tỉ USD. Khoảng 76 quốc gia, bao gồm 40 quốc gia tại khu vực châu Phi cận Sahara, đủ điều kiện để được hoãn thanh toán số nợ 20 tỉ USD, trong tổng số 32 tỉ USD mà các nước phải chi để trả nợ trong năm nay.

Nỗ lực giữ vai trò lãnh đạo thế giới của Tổng thống Macron còn được thấy qua việc ông thể hiện quan điểm cứng rắn đối với các cường quốc cũng như những hành động của họ trong đại dịch COVID-19. Đơn cử như hôm 15-4, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại nước này để phản đối những bình luận gây tranh cãi về công tác phòng chống dịch của phương Tây nói chung và Paris nói riêng.

Nhiều quốc gia châu Âu đã có những động thái thăm dò đầu tiên hướng tới việc dỡ bỏ các biện pháp cách ly được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Trong sáng kiến này, Pháp cũng có thể đóng vai trò “đầu tàu”. Phát biểu trên truyền hình hôm 13-4, Tổng thống Macron đã thông báo về kế hoạch phục hồi hoạt động cho các lĩnh vực sau khi lệnh phong tỏa (bắt đầu thực thi từ ngày 17-3) được dỡ bỏ. Theo đó, từ 11-5, nhà trẻ và trường học các cấp sẽ mở cửa trở lại dần dần với các biện pháp chống dịch cần thiết cho giáo viên cũng như học sinh và không có giờ thể dục.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, France24)

Chia sẻ bài viết