08/06/2021 - 23:49

Ông Biden “sửa chữa” quan hệ với châu Âu

Trước thềm chuyến thăm châu Âu, Tổng thống Joe Biden (ảnh) trong bức thư ngỏ khẳng định chuyến công du nước ngoài đầu tiên mang theo sứ mệnh đoàn kết các nền dân chủ, hiện thực hóa cam kết mới của Mỹ đối với đồng minh và đối tác truyền thống.

Những cột mốc đầu tiên

Theo kế hoạch, Tổng thống Biden sẽ lên đường thăm Anh từ hôm nay 9-6, hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Borris Johnson và diện kiến Nữ hoàng Elizabeth Ðệ Nhị vào ngày 13-6. Trong khoảng thời gian này, ông Biden còn dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) do Luân Ðôn chủ trì. Ðây là lần đầu tiên lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp gỡ trực tiếp kể từ sau lần họp ở Pháp bị hoãn hồi năm ngoái vì đại dịch COVID-19. Thông qua hội nghị lần này, ông Biden ngoài kêu gọi tăng cường viện trợ vaccine COVID-19 cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình còn tập trung hàn gắn mối quan hệ giữa Mỹ với những quốc gia “có chung giá trị và tầm nhìn”.

 Ảnh: AP

Ở chặng dừng chân tiếp theo, Tổng thống Biden sẽ đến Brussels (Bỉ) để gặp các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của liên minh kể từ năm 2018. Chuẩn bị cho sự kiện này, ông Biden hôm 7-6 đã có cuộc gặp bên lề với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Nhà Trắng. Hai bên nhất trí củng cố liên minh xuyên Ðại Tây Dương là cần thiết giữa thời điểm cạnh tranh toàn cầu như hiện nay. Trong đó, ông Stoltenberg đồng ý với lãnh đạo Mỹ về cách tiếp cận theo phương thức “răn đe, phòng thủ và đối thoại” với Nga. Về phần Trung Quốc, người đứng đầu NATO thừa nhận hợp tác với Bắc Kinh mang lại cơ hội về kinh tế nhưng hai bên không cùng chia sẻ các giá trị.

Chủ nhân Nhà Trắng trong hai ngày 15 và 16-6 tiếp tục dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) và sau đó có buổi gặp trực tiếp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Geneva (Thụy Sĩ). Ðây là lần đầu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga tổ chức kể từ sau sự kiện tương tự diễn ra hồi năm 2018 ở Helsinki (Phần Lan) giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Donald Trump. Theo giới quan sát, cuộc gặp gỡ nói trên được thiết kế với thông điệp rõ ràng gởi tới lãnh đạo Nga, đó là Tổng thống Biden không chỉ đến trong vai trò người đứng đầu nước Mỹ mà còn đại diện cho các liên minh và thể chế dân chủ châu Âu.

Lục địa già vẫn ngờ vực

Trong bức thư ngỏ được công bố cách đây vài ngày, Tổng thống Biden nói rõ chuyến công du tới châu Âu là cơ hội chứng minh tính hiệu quả của liên minh những nền dân chủ trước các mối đe dọa và đối thủ thời hiện đại. Bên cạnh mục tiêu đảm bảo lợi ích quốc gia, ông khẳng định khôi phục quan hệ xuyên Ðại Tây Dương, tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ với các nước đồng minh và đẩy mạnh quan hệ đối tác đa phương đối phó thách thức toàn cầu là mối quan tâm hàng đầu của Nhà Trắng. Dù đó là nhiệm vụ chấm dứt đại dịch COVID-19, giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu hay các “hoạt động có hại” từ Nga và Trung Quốc, Mỹ phải trở lại vai trò dẫn dắt thế giới trong một vị thế mạnh mẽ hơn - ông Biden tuyên bố.

Kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức hồi tháng 1, một số cuộc thăm dò của Mỹ cho thấy người dân xứ cờ hoa tin nhà lãnh đạo đảng Dân chủ đã giúp cải thiện hình ảnh nước này trong mắt các đồng minh sau 4 năm “bị tàn phá” dưới thời Tổng thống Trump. Tuy nhiên, kết quả khảo sát mới đây do Quỹ Marshall và Quỹ Bertelsmann của Ðức thực hiện trên 11 quốc gia châu Âu chỉ ra người dân lục địa này vẫn giữ quan điểm tiêu cực đối với Washington trong vai trò đối tác toàn cầu và đồng minh sau đại dịch COVID-19.

MAI QUYÊN (Theo Newsweek)

Chia sẻ bài viết