14/05/2021 - 09:02

Olympic Tokyo, tiếp tục hay dừng lại? 

Hơn 300.000 người Nhật đã ký vào đơn thỉnh nguyện yêu cầu hủy Olympic Tokyo, trong khi ngôi sao bơi lội Rikako Ikee cũng phải chịu sức ép không tham dự sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này.

Người dân Nhật biểu tình đòi hủy Olympic Tokyo. Ảnh: thebridge

Người dân Nhật biểu tình đòi hủy Olympic Tokyo. Ảnh: thebridge

Báo Nikkei ngày 13-5 dẫn một nguồn thạo tin cho biết 40 trong số 528 “thị trấn chủ nhà Olympic” đã quyết định hủy kế hoạch tiếp đón các vận động viên quốc tế. Điều này diễn ra trong bối cảnh tỉnh trưởng của các tỉnh Kanagawa và Ibaraki cho rằng những bệnh viện tại đây không đủ khả năng điều trị các vận động viên nếu họ nhiễm COVID-19. Dư luận Nhật Bản thậm chí nhắm vào nữ kình ngư Rikako Ikee, người vừa giành vé dự Olympic Tokyo sau khi chiến thắng bệnh ung thư máu. Vận động viên 20 tuổi này tiết lộ gần đây đã nhận được các tin nhắn “đau lòng” với nội dung thúc giục cô tẩy chay và không dự Olympic Tokyo. Trong khi đó, thỉnh nguyện thư với hơn 300.000 chữ ký kêu gọi Chính phủ Nhật thay vì chi tiền cho Olympic Tokyo, thì dành cho những người đang cần hỗ trợ tài chính vì đại dịch. Nhật Bản hiện vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ 4 và nó đang đẩy nguồn lực y tế nước này đến bờ vực.

Thủ tướng Yoshihide Suga và chính phủ của ông đang bị phàn nàn vì hành động quá chậm và lỏng lẻo liên quan các biện pháp ngăn chặn COVID-19. Mặc dù Nhật đã xoay xở để giữ số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở mức thấp hơn so với Mỹ và châu Âu mà không cần phải phong tỏa và triển khai các biện pháp bắt buộc khác, nhưng kết quả vẫn tệ hơn một số nơi tại châu Á.

Nhật Bản cũng thua kém ở tốc độ chủng ngừa toàn dân. Cho đến nay, nước này mới chỉ tiêm chủng cho 2,8% dân số (chỉ 1% nhận đủ 2 liều), mức thấp nhất trong số các quốc gia phát triển trên thế giới. Vaccine của Hãng dược Pfizer (Mỹ) là loại chế phẩm duy nhất được Bộ Y tế Nhật phê duyệt. Mặc dù giới chức đổ lỗi cho việc thiếu hụt nguồn cung nhập từ châu Âu, chiến dịch tiêm chủng diễn ra chậm chạp là do thiếu nhân lực tiêm ngừa. Kết quả là khoảng 7,6 triệu liều, tức hơn phân nửa số lượng vaccine mà Nhật Bản nhận được, hiện vẫn còn trong các tủ đông.

Hôm 10-5, khi được hỏi về khả năng tổ chức Olympic Tokyo nếu số ca nhiễm COVID-19 trong nước gia tăng đột biến, Thủ tướng Suga khẳng định ông không bao giờ “đặt vấn đề đăng cai Olympic làm ưu tiên hàng đầu”. Ưu tiên của ông là bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của người dân Nhật Bản. Tuyên bố này được đưa ra cùng ngày nhật báo Yomiuri Shimbun công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận cho thấy gần 60% người dân Nhật Bản muốn hủy tổ chức Olympic Tokyo.

“Olympic Tokyo sẽ an toàn”

Tuy nhiên, Thủ tướng Suga đã gây bối rối trong dư luận khi liên tục khẳng định với các nghị sĩ rằng Olympic Tokyo vẫn sẽ an toàn. Nhà lãnh đạo xứ sở Mặt trời mọc cũng nhắc lại rằng Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) sẽ là nơi đưa ra quyết định cuối cùng về số phận của Olympic Tokyo và nhiệm vụ của Chính phủ Nhật Bản là thực hiện các bước để sự kiện này có thể được tổ chức một cách an toàn. Về phần mình, IOC ngày 12-5 lên tiếng đánh giá thấp những lo ngại về việc dư luận Nhật kêu gọi hủy Olympic Tokyo. “Chúng tôi nghe thấy nhưng sẽ không bị dẫn dắt bởi dư luận”, phát ngôn viên IOC Mark Adams nói tại cuộc họp báo, đồng thời khẳng định “Olympic Tokyo có thể và sẽ diễn ra”.

Olympic Tokyo dự kiến khai mạc vào ngày 23-7 tới (bế mạc vào ngày 8-8) sau một năm trì hoãn vì dịch bệnh. Nhật Bản đã đầu tư khoảng 9,2 tỉ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ Olympic. Việc hủy sự kiện này có thể khiến Nhật Bản thiệt hại tới 25 tỉ USD.

Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 6 tỉnh, thành. Tình trạng khẩn cấp lần này sẽ có hiệu lực tới ngày 31-5. Hôm 13-5, tỉnh Hokkaido ở phía Bắc Nhật Bản ghi nhận khoảng 700 ca nhiễm mới, một kỷ lục. Hokkaido dự kiến là địa điểm thi đấu nội dung điền kinh của Olympic Tokyo. Đến nay, Nhật Bản có gần 652.000 ca nhiễm với hơn 11.000 người tử vong.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, ESPN)

Chia sẻ bài viết