20/05/2020 - 20:18

Nước nghèo khó trả nợ cho Trung Quốc 

Giữa lúc đại dịch COVID-19 lan rộng khắp toàn cầu, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi hồi tháng rồi có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, trong đó nói rằng kinh tế Pakistan đang suy giảm, chính phủ nước này cần phải tái cơ cấu hàng tỉ USD mà Islamabad vay của Bắc Kinh.

Tuyến đường sắt ở Kenya do Trung Quốc tài trợ. Ảnh: NYT

Trung Quốc cũng nhận những thỉnh cầu tương tự từ Kyrgyzstan, Sri Lanka và một số nước châu Phi, chủ yếu là yêu cầu tái cơ cấu, hoãn hoặc miễn trả hàng chục tỉ USD tiền vay đến hạn trong năm nay. Ethiopia, nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Phi, cũng mong muốn Trung Quốc xóa một phần nợ và đang giữ vai trò dẫn đầu, thay mặt các nước ở lục địa đen trong các cuộc đàm phán với chủ nợ.

Hai bên cùng khó

Trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng và tham vọng trở thành siêu cường về chính trị và kinh tế, Trung Quốc trong 2 thập kỷ qua cho các nước nghèo vay hàng trăm tỉ USD. Đổi lại, họ phải dùng cảng biển, mỏ khoáng sản hay những thứ quý giá khác làm tài sản thế chấp. Song, giữa lúc kinh tế thế giới đang suy giảm vì đại dịch, những “con nợ” thừa nhận không thể thực hiện nghĩa vụ của mình, khiến Trung Quốc phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo đó, nếu tái cơ cấu hoặc xóa các khoản vay, hệ thống tài chính của nước này sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng và dân chúng nổi giận, nhưng nếu yêu cầu các nước trả nợ giữa lúc họ không đồng tình về cách xử lý đại dịch của Bắc Kinh, kế hoạch mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của nước này có thể gặp trở ngại.

Nhiều nước còn công khai đặt nghi vấn về vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến chống COVID-19 sau khi giới chức nước này hồi tháng 1 cố tình giảm nhẹ tính nghiêm trọng và sự lây nhiễm của dịch bệnh. Để lấy lại hình ảnh, Bắc Kinh bán và tặng khẩu trang cũng như thiết bị y tế cho các nước bị ảnh hưởng. Viện nghiên cứu Kiel (Đức) ước tính, Trung Quốc cho các nước đang phát triển vay tổng cộng hơn 520 tỉ USD, vượt qua cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới.

Dù Trung Quốc bác bỏ ý định xóa nợ hàng loạt cho các nước nhưng báo hiệu rằng họ sẵn sàng đàm phán. Đơn cử, Chính phủ Kyrgyzstan hồi tháng 4 cho biết Trung Quốc đồng ý tái cơ cấu khoản nợ 1,7 tỉ USD. Còn S.R. Attygalle, thư ký Bộ Tài chính Sri Lanka, tiết lộ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã mở rộng hạn mức tín dụng thêm 700 triệu USD, đồng thời giảm lãi suất và hoãn thời hạn trả nợ trong 2 năm.

Khác với phương thức cho vay của các nước giàu hay các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc có xu hướng cho vay với lãi suất cao hơn và kỳ hạn trả nợ ngắn hơn. Đáng chú ý, các nước thường dùng tài sản quốc gia thế chấp, giúp các ngân hàng nhà nước Trung Quốc tự tin cho các nước nghèo vay. Ở một số nơi, mức cho vay của Trung Quốc rất lớn. Chẳng hạn số tiền mà Djibouti nợ Trung Quốc chiếm hơn 80% GDP, trong khi số nợ Ethiopia và Kyrgyzstan vay của Trung Quốc chiếm lần lượt 20% và 40% GDP.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần lên án “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc, tố Bắc Kinh cho các nước nghèo hơn vay tiền để cuối cùng chiếm đoạt tài sản chiến lược và mở rộng ảnh hưởng về quân sự và kinh tế.

TRÍ VĂN (Theo NYT)

Chia sẻ bài viết