Truyện ngắn: Linh An
Vừa bước ra tới cửa thì có mưa, ông lão lùi vào hàng hiên, ngồi chéo chân, móc gói thuốc rê ra vấn, tự nhiên như ở nhà mình. Đảo Côi mùa đang nắng gắt gỏng, bỗng đâu quăng về một chùm mưa, rơi lộp độp trên mái nhà nghe thô và rát. Ngó ra nhìn, Hậu không thể tin người đàn ông gầy gò mắt sáng như sao ấy là cha mình. Bởi đâu có người cha nào rượt đứa con đến mức nó đã bỏ xứ trốn ra đảo Côi hoang vắng mà ông cũng tìm tới.
Cúi gập người, chụm tay đốt thuốc, ông lão cố chống lại với cơn gió biển không thôi cướp ngọn lửa nhỏ nhoi từ chiếc quẹt ga. Ngó ra sân căn nhà thuê, Hậu có chút xốn xang, tự hỏi lòng có nên thôi giận hờn hay không? Anh dịu dàng trôi trong ký ức cùng cha mình và hiểu ra biết bao nỗi lòng của ông lão. Có lẽ phải đến lúc làm cha làm mẹ, Hậu mới thấm thía được lý do vì sao ông già xử vậy với mình.
* * *
Hồi mới ra đảo, cảnh thường hiện về trong giấc mơ của Hậu là đoạn cha cầm hai chân con gà Thần Kê Đại Hiệp, rồi vung vào bia đá. Con gà giãy chết. Nhanh như chớp, nắm lấy vành tai thằng con, ông già lôi đi, kéo như người ta kéo trâu. Mỗi bước, lão mỗi dặm thêm mấy câu “tiền của tao sao bây lấy”, hoặc “lấy cây cựa đâm vô thịt da coi có đau không”. Ông lão sáu mươi bốn tuổi, cha ruột, nên Hậu nhịn. Nhưng đoạn cuối bữa đó, lúc chưa ra khỏi sân gà, ông già hét một câu đau thấu tim gan: “Bây không phải con nhà này, bây con của cái quân trác táng”. Nổi xung thiên, Hậu tung tay ông lão ra, dứt khoát và hơi ác.
- Đúng rồi, ông không phải cha tui.
Ông già hơi chới với. Chưa kịp hoàn hồn thì Hậu đã bỏ te te về phía bờ kinh, rồi lội một mạch sang bên kia. Lục bình trôi đầy, ông già không cách nào nhìn thấy thằng con sau khi nó chìm trong nước.
Ký ức đó, dẫu tâm trạng có dịu dàng đến đâu thì khi nhớ lại Hậu cũng thấy toàn thân giận đến run rẩy. “Ký ức ấy, tới chết cũng không quên được!” - Hậu bỗng nói lớn. Đứa con đang chơi với vỏ ốc, giật mình nhìn cha, hơi hoảng. Nhìn con sắp mếu, Hậu xua tay, chạy lại kề bên lấy con ốc biển, ra trò “ta đa, ta đa, bạn ốc đây, bạn ốc đây”. Như tàu vừa trật một nhịp và kịp lúc bắt vào đường ray, đứa con nhanh chóng hòa nhập vào trò chơi, miệng không thôi đọc theo “ta đa, ta đa”. Lúc đó ông già ngồi ngoài hiên ngó vào, mắt lim dim, khói thuốc tỏa làm lờ mờ, không rõ vui hay đang quạu.
Hồi Hậu bỏ đi, ông già đâu thèm nhìn theo níu kéo làm gì. Nghe đâu có lần ông còn thề thốt có chết cũng không cho thằng con mê đá gà không lo chí thú làm ăn trở về. Sợ về làm ông già giận nhiều, Hậu đi luôn từ dạo đó. Lâu lâu bắt liên lạc về cho má yên tâm, điện thoại chưa lâu thì nghe tiếng ông già hét: “Đặt tên thằng Hậu mà sống không có hậu, bà gọi điện làm chi”. Lần một, hai, ba, Hậu thấy bình thường, nhưng sau đợt bấm nhầm cái loa, giọng ông già rơi ra. Vợ đang nấu cơm, giả bộ không nghe nhưng Hậu vừa quê vừa nổi quạu, đập tan nát cái điện thoại, thề không về với ông già, từ đó.
Hậu đâu biết, ông già đã đánh tiếng được từ những người quen, chuyện Hậu đi tàu, quen Thảo sau khi em ly dị chồng hai năm. Mới đầu ông cũng nổi xung thiên với thằng con hơn, tại sao bao nhiêu mối ngon lành không chịu, mà đi ưng con nhỏ thôi chồng. Má can ngăn: “Thôi thôi, ông từ từ, tui khuyên con”. Nhưng ông già tự mình hành động, viết bức thư gửi ra tới tận nơi: “Về đây biểu, không về sẽ ra tới ổ”. Nhận được thư, Hậu xé tan thả trôi trên biển, nhìn đám giấy lững lững, nghi ngờ rằng ông già sẽ theo mùi giấy tới đây, lúc đó biết giấu Thảo nơi đâu. Nghĩ tới việc vợ đang bầu bì mà phải cùng chồng trốn chạy, Hậu hét lên mặt biển: “Ông muốn tui sống sao?”. Trong lúc Hậu lục đục dọn đi, ông già cũng xếp áo quần vô túi chuẩn bị lên đường.
Đặt chân lên đảo Lớn khi thằng con đã trốn đi mất biệt đâu đâu, ông già cằn nhằn bà chủ nhà trọ cũ rằng tại sao lại chứa chấp con ông. Câu chuyện đó, bà kể lại cho Hậu nghe với giọng điệu kiểu như “lỗi này đâu phải do tui?”. Hậu nghe, giận tím cả mặt tự hỏi “Tại sao cha lại làm quê tui hoài vậy!”. Nhưng còn chút may, ông già gặng hỏi giáp đảo Lớn mà vẫn không cách nào mò ra chỗ của hai đứa, ở phía đảo Nhỏ đối diện đó, có xa chi.
Thảo nói hoài, nói hoài: “Thôi, cha lớn tuổi rồi” trong lúc Hậu biên thơ gửi về nhà kêu ông già đừng tìm mình nữa. Thư đó, Thảo giấu kín đi, sáng ra lúc Hậu đang loay hoay cố tìm thơ cho được, đứa con trong bụng Thảo đạp liên hồi như thể nói “cha ơi, con sắp ra gặp cha”. Hậu chèo chiếc thuyền đi kiếm cá, đặng còn có chút tiền cho Thảo sanh nở. Hai tay Hậu mỏi nhừ, quên luôn rằng hôm qua mình còn giận ông già mênh mông bằng mặt biển.
Nghe nói cha Hậu có ra đảo Lớn thêm hai lần tìm con, người ta tả lại, ông còn xách theo cọng dây dù. Cầm mấy gói cháo mà bà chủ trọ cũ đưa cho từ ai đó làm từ thiện, Hậu nói: “Cha tui ổng tính cuộc tui lại như cuộc heo chứ gì?”. Về nhà kể cho vợ nghe: “Ông già cứ lần quần hoài, hỏi sao anh không khùng cho được”. Gói cháo nghi ngút khói, đứa nhỏ húp ngon lành, giọng Thảo ngọt như canh: “Thôi mà anh, cha lớn tuổi rồi”. Nhiêu đó thôi Hậu thấy tan đi ít nhiều sân giận với ông già.
Hậu bắt mối được chiếc tàu biển, họ nói đi mỗi đợt một tuần, bốn trăm ngàn một ngày, chịu hông? Mùa này biển chưa vào mùa bão, để vợ con ở nhà cũng yên tâm, Hậu lên tàu, hy vọng kiếm thêm chút tiền để vợ con cơm canh đỡ cực. Nghe đâu sau mấy mùa như vậy, ông già mới mò ra được tới đảo Côi này ngay đợt biển động. Ông giả làm chủ tàu đi tìm Hậu để thuê đi biển, lân la hỏi thăm xóm rằng thằng Hậu có còn đá gà hay không. Người xóm chưng hửng, “Hậu đi biển không kịp thở, nuôi hai đứa con chứ chơi sao, nó đàng hoàng vậy mà cờ bạc đá gà gì?”. Ông già nửa tin nửa ngờ, nhưng lòng dậy vui lên như sóng biển vỗ ào ào.
Tìm đường đến nhà đứa con, ngồi trước cửa ngó vào thấy con mình lăng xăng đút cơm đứa nhỏ, trả lời đủ bao câu hỏi cho đứa lớn, ông bỗng nhớ quá đứa con hồi còn thơ của mình năm nào. Bước vào nhà mấy bước, đặt cái túi du lịch đã cũ xuống, hai đứa nhỏ ngờ ngợ nhìn chăm chú hồi lâu rồi bỗng mừng vui, khoanh tay chào ông nội. Hậu ngó ông già, mặt căng cứng. Thì ra bao ngày qua, mẹ đứa nhỏ đã đem hình ông ra để dạy mấy đứa nhỏ về ông nội, bà nội ở trong bờ. Ông đứng đó ngó con, ngó cháu rất lâu, cảm động. Rồi bỗng lặng lẽ rời chân. Hậu cũng chưng hửng, không biết sao lần này ông lão lại không kiếm chuyện với mình nữa.
Ra ngồi trước sân hút mấy điếu thuốc, rồi đứng dậy bước đi. Trong nhà Thảo và Hậu nói gì đó với nhau, rồi Thảo bỗng cất lời: “Cha, cha ở lại chơi với tụi con vài hôm”. Ông già ngoái nhìn, cười rồi vẫy vẫy tay chỉ vào phía đất liền. Hai đứa cứ nhìn theo mãi cho đến lúc ông già khuất dạng, mới chực nhớ ông bỏ quên lại cái túi, Hậu cầm chạy theo ra phía tàu, vừa chạy Hậu vừa khóc vừa kêu lớn: “Cha ơi, đợi con, cha ơi cha đợi con…”. Hậu đâu biết ông già ngồi lại ở một góc biển ngó về phía nhà đứa con, ông cũng giàn giụa nhớ thương, không biết làm sao để kết nối lại một giọt máu đào rơi rụng từ lâu. Nước mắt vào mùa bão động này ắt sẽ nối sợi chỉ tay đứt của hai cha con, liền lại!