23/12/2018 - 06:47

Nước cờ nhiều ẩn số

“Bàn cờ chính trị” tại Syria đã bất ngờ xoay chuyển khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ động đi một “nước cờ” mới, tuyên bố rút toàn bộ quân khỏi quốc gia Trung Đông này. Quyết định của ông Trump, nếu diễn ra, báo hiệu một sự chuyển dịch lớn, cơ bản về tương quan lực lượng tại Syria, song cũng đặt ra nhiều ẩn số trong bối cảnh lộ trình chính trị nhằm chấm dứt  cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ 9 tại quốc gia Trung Đông đang “giậm chân tại chỗ”.

Mặc dù không phải là quyết định quá bất ngờ, bởi ông Trump từng đề cập khả năng rút quân Mỹ khỏi chiến trường Syria, song tuyên bố trên vẫn gây sốc và khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi. Trước đó, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria vẫn được cho là một sự bảo đảm về vai trò của Mỹ dẫn đầu liên minh quốc tế tại Syria, vốn can dự vào cuộc khủng hoảng Syria từ năm 2014 với mục tiêu buộc Tổng thống Bashar al-Assad phải từ bỏ quyền lực. Bên cạnh đó, việc Mỹ duy trì quân đội tại Syria từng được Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton coi như biện pháp “kiềm chế” Iran trong khu vực Trung Đông.

Các đồng minh của Mỹ tham gia liên quân quốc tế tại Syria coi tuyên bố của ông Trump là một “sai lầm lớn” khiến vai trò của Mỹ ở Trung Đông bị suy yếu, đồng thời cũng tạo ra “khoảng trống an ninh” bởi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện vẫn là mối đe dọa. Có ý kiến còn cho rằng Tổng thống Trump đã bộc lộ “sự yếu thế” khi Nga, vốn được xem là đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung, đang ngày càng khẳng định vai trò dẫn dắt lộ trình giải quyết vấn đề Syria. Trước đó Nga từng cáo buộc Mỹ “viện cớ tiêu diệt IS” để tiếp tục hiện diện quân sự ở Syria, tiếp tục tiến hành cuộc chiến nhằm vào Chính phủ Syria, trong khi Iran và Syria thì cho rằng Mỹ đang cản trở tiến trình chính trị tại quốc gia Trung Đông này.

 Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump luôn cho rằng cuộc chiến mà Mỹ phát động chống khủng bố sau sự kiện 11-9-2011 là sai lầm chiến lược, hao người, tốn của do nước này đã mất tới hàng chục nghìn sinh mạng và hơn 4.000 tỉ USD, khi sa lầy vào các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan hay sau này ở Syria. Trên thực tế thì với sự can dự tích cực của Nga trong vài năm nay, tình hình cuộc xung đột Syria đã biến chuyển theo hướng chính quyền Damascus hầu như giành lợi thế trên thực địa. Các lực lượng đối lập Syria từng được Mỹ hậu thuẫn khi cuộc xung đột bùng phát đầu năm 2011, hầu như không còn khả năng xoay chuyển tình thế và đã phải ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ. Có thể nói, sự hiện diện của Mỹ trên “bàn cờ” Syria đang dần trở nên mờ nhạt, càng khiến Washington khó thực hiện mục tiêu thay đổi chế độ ở Syria.

 Trong khi đó, việc duy trì quân đội Mỹ tại Syria luôn tạo ra nguy cơ “đối đầu trực tiếp” với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Washington ủng hộ và hỗ trợ Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria luôn khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó chịu bởi Ankara coi các tay súng người Kurd này là “khủng bố”. Quan hệ giữa Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ cũng rạn nứt một phần liên quan việc Mỹ hậu thuẫn các tay súng người Kurd ở Syria. Thậm chí Ankara còn quyết định mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, bất chấp Mỹ đe dọa  áp đặt lệnh cấm vận với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, quan hệ hai bên có dấu hiệu hòa dịu và chỉ vài ngày trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thỏa thuận bán hệ thống tên lửa Patriot trị giá 3,5 tỉ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ. Về lý thuyết, việc Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện quan hệ có thể ngăn Ankara xích lại gần những đối thủ của Washington như Nga hay Iran, điều mà Mỹ luôn lo ngại, xét ở vị trí khá quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Nhà phân tích người Liban Nidal Sabi, một chuyên gia hàng đầu về hồ sơ Syria, thì cho rằng việc rút quân khỏi Syria là kết quả của một thỏa thuận bí mật giữa Washington và Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã hoan nghênh quyết định của Mỹ rút quân khỏi Syria.

 Trong tình thế như vậy, việc Mỹ duy trì quân ở Syria tỏ ra là một “sự lãng phí” không cần thiết và quyết định của Tổng thống Trump có thể coi là một tính toán chiến lược. Hơn nữa, trong bất cứ tình huống nào, Mỹ đều có khả năng tiến hành các chiến dịch không kích hoặc tấn công Syria bởi Washington đã thiết lập được hàng loạt căn cứ quân sự tại khu vực Trung Đông.

Xét từ góc độ đối nội, quyết định của Tổng thống Trump rút quân khỏi Syria có thể làm chệch hướng sự chú ý của dư luận nước Mỹ đối với những vấn đề khác mà hiện nay ông Trump đang phải đối mặt, từ chủ đề Nga can thiệp bầu cử tổng thống đến những tranh cãi xung quanh chính sách nhập cư cứng rắn. Tuy nhiên, việc Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ngay lập tức tuyên bố từ chức cũng cho thấy quyết định của ông Trump có thể gây ra những hiệu ứng ngược.

Việc Mỹ rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này chắc chắn sẽ tác động ít nhiều đến tình hình thực địa, tạo ra những phân nhánh địa chính trị bất ngờ. Vốn nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ trong nhiều năm qua, các lực lượng đối lập Syria có thể khó khăn trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, số lượng quân Mỹ hiện diện ở Syria không phải là lực lượng chủ lực có vai trò quyết định trong việc hậu thuẫn phe đối lập Syria. Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục có thể hỗ trợ về vũ khí, hay thông qua các đồng minh phương Tây khác vẫn đang duy trì lực lượng tại Syria, để “chống lưng” cho phe đối lập Syria. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, đây có thể là “cú hích” cho một sự trỗi dậy nào đó của phe đối lập Syria.

Bên cạnh đó, dư luận cũng hoài nghi về tuyên bố của Tổng thống Mỹ rút quân khỏi Syria, khi ông Trump nổi tiếng là người hay thay đổi với những quyết sách thường không được tham vấn trước với các cố vấn. Bản thân tuyên bố rút quân này cũng là sự đảo ngược một số tuyên bố trước đây của chính ông trong vấn đề Syria. Bởi vậy mà “nước cờ” mới của ông Trump vẫn được xem là mơ hồ và khó lường. 

NGỌC HÀ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Syria