12/01/2009 - 21:27

Du lịch dịp Tết nguyên đán ở ĐBSCL

"Nóng" gói tua tự túc

Du lịch Tết Nguyên đán là cơ hội làm ăn của các dịch vụ du lịch. Năm nay, đã cận Tết nhưng các nhà tua chỉ tổ chức một số tua truyền thống cầm chừng. Trong khi đó, nhiều khu du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại có những sản phẩm mới để lôi kéo du khách vào dịp này: Gói tua tự túc. Dự báo, gói dịch vụ linh hoạt này sẽ “nóng” hơn tua đoàn...

* DỘI... TUA ĐOÀN

Cuối năm, thị trường du lịch khá trầm lắng, nhiều doanh nghiệp lữ hành ở ĐBSCL chỉ treo băng-đơ-rôn giới thiệu các tua truyền thống để cầm chừng. Phổ biến vẫn là các tua ngắn ngày đến với mùa xuân cao nguyên hoa Đà Lạt hay thành phố biển Nha Trang.

Các tua ngắn ngày này phù hợp với du khách là gia đình và nhiều Việt kiều về quê ăn Tết mua tua “lì xì” người thân. Nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp lữ hành vẫn phải thiết kế tua đoàn chào đón khách. Nếu đủ khách cho một đoàn đi khoảng 15-20 người thì doanh nghiệp tự đứng ra tổ chức tua. Số lượng ít quá thì chuyển cho đối tác ở TP Hồ Chí Minh tổ chức.

 Hòn Tre, một điểm du lịch rất thu hút khách của tỉnh Kiên Giang.

Những năm trước tua Tết làm không kịp. Có đoàn khởi hành ngay đêm giao thừa. Liên tiếp các ngày mùng 1 đến mùng 4 Tết đều có những chuyến đi tiếp theo. Phổ biến nhất vẫn là tua 3-5 ngày đến Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết... Vài năm trở lại đây, tua Tết ngày càng hiếm. Nguyên nhân chính vẫn là chất lượng dịch vụ và giá cả không ổn định trong các đợt cao điểm lễ Tết tại các khu du lịch. Các điểm đến truyền thống của du khách ĐBSCL là Nha Trang và Đà Lạt kế đó là Phan Thiết, Vũng Tàu giá luôn tăng chóng mặt so với ngày thường. Mức tăng 100-300% thậm chí 500% đối với dịch vụ lưu trú là “chuyện thường ngày” ở các nơi này. Doanh nghiệp lữ hành phải “xí phần” trước để hưởng giá ưu đãi, tăng 30-50% so với ngày thường. Điều đáng nói là chất lượng dịch vụ trở nên rất kém vì cùng lúc phải phục vụ một lượng khách quá lớn. Dịp lễ Tết, du khách đổ về các điểm du lịch cùng một lúc gây hỗn tạp và mất đi không gian nghỉ dưỡng, thư thái tại các điểm đến. Còn nhớ Festival hoa Đà Lạt cuối năm trước, thành phố cao nguyên bị “quá tải” bởi thực khách đổ về quá nhiều. Đêm khai mạc, đường sá chật chội và du khách giành nhau từng chút dịch vụ khiến Đà Lạt nóng hừng hực bởi hơi... người! Ngọc Thắm, một hướng dẫn viên du lịch ở Kiên Giang, nhớ lại: “Đoàn khách của tôi tới Đà Lạt ngay đêm khai mạc nhưng cũng chỉ nằm ở phòng khách sạn xem khai mạc qua truyền hình, mặc dù tôi đã chọn nơi ở gần sân khấu nhất. Kinh khủng nhất là Đà Lạt thiếu rau củ phục vụ du khách. Giá cả tăng vùn vụt. Tôi làm tua lâu năm nhưng cứ nghe tới tua lễ Tết là sợ...”.

Anh Trần Đăng Hiệp, Giám đốc Chi nhánh Du lịch Festival tại Kiên Giang, cho biết: “Dịp Tết, các doanh nghiệp lữ hành ở Kiên Giang tổ chức tua chủ yếu để giữ chân khách chứ không mong có lãi. Mọi thứ đều tăng giá trong chất lượng lại thấp hơn bình thường đó là điểm yếu của các khu du lịch nói chung. Vì vậy, đơn vị tổ chức luôn rất vất vả để làm vừa lòng khách. Về lâu dài, khách hàng sẽ rất ngán ngại khi chọn tua vào dịp này. Du khách chọn đi du lịch dịp này là vì không có lựa chọn khác hơn do điều kiện thời gian...”.

* LINH HOẠT

GÓI TUA TỰ TÚC

“Về tắm ao ta” với chuyến đi trong ngày đến một số khu du lịch ở ĐBSCL trở thành lựa chọn của nhiều người, nhất là giới trẻ. Châu Đốc (An Giang), TP Cần Thơ và Hà Tiên (Kiên Giang) là những điểm đến trong dịp Tết Nguyên đán này. Hà Tiên đón được xu thế này nên đã có bước chuẩn bị kỹ để lôi kéo du khách. Tại khu du lịch Mũi Nai, hệ thống máng trượt vừa đưa vào hoạt động vào dịp Tết Dương lịch 2009, dự báo sẽ thu hút động du khách vào dịp Tết Nguyên đán. Đây là hệ thống máng trượt quy mô lớn lần đầu tiên có mặt ở ĐBSCL. Giá vé 40.000 đồng/tua lên và xuống là mức chấp nhận được cho dịch vụ này. Đơn vị khai thác dịch vụ cam kết sẽ không tăng giá và điều tiết khách hợp lý đảm bảo an toàn và vui vẻ cho du khách. Vanashin Cần Thơ vừa đưa vào khai thác tàu cao tốc Hà Tiên-Phú Quốc tạo một tuyến mới phục vụ du khách. Dịp Tết Nguyên đán, du khách có thêm một lựa chọn cho đường biển đi Phú Quốc với chi phí thấp hơn 60.000 đồng/vé, thời gian vận chuyển nhanh hơn một giờ so với tuyến Rạch Giá-Phú Quốc. Tại Phú Quốc cũng vừa khai trương một hệ thống các trò chơi dưới nước. Có nhiều sản phẩm mới lạ sẽ xóa đi cảm giác nhàm chán cho du khách.

Chờ đến Tết là tâm lý chung của người làm du lịch ở An Giang. Theo giới kinh doanh dịch vụ du lịch, An Giang là vùng đất của tâm linh nên dù kinh tế khó khăn đến đâu, những người tín ngưỡng (phần lớn là người làm ăn) vẫn phải hành hương đến An Giang để cầu mong cho sự tiến triển vào dịp đầu năm. Bắt đầu từ mùng 1 Tết, đã có du khách đến An Giang. Mùng 2 Tết trở đi, du khách sẽ ngày càng đông và kéo dài đến hết tháng Giêng. Sau đó, lượng du khách sẽ bình ổn lại rồi tiếp tục tăng vào tháng 3 và tháng 4 âm lịch trước thềm Lễ vía Bà Chúa xứ Núi Sam-Châu Đốc...

Ăn theo du lịch tâm linh là chợ biên giới cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên. Khoảng hơn 4 tháng nay, chợ chỉ hoạt động cầm chừng. Kể cả thời gian giáp Tết, chợ cũng chỉ đông hơn bình thường chút ít. Nhiều sạp đóng cửa nghỉ trong thời gian này và mở cửa trở lại ngay ngày mùng 1 Tết. Theo Ban quản lý chợ Tịnh Biên, có trên 90% hộ kinh doanh ở chợ hoạt động vào những ngày Tết vì sức mua lớn và lượng khách đông.

Kinh tế khó khăn nhưng nhiều người vẫn cho rằng Tết ai lại nằm nhà. Vì vậy, các điểm đến có thể đi và về trong ngày được dự báo sẽ “nóng” trong mùa Tết này...

Bài, ảnh: THÀNH NGUYỄN

Chia sẻ bài viết