17/02/2011 - 20:58

Nông dân Sóc Trăng trúng mùa hành tím

Các cơ sở sơ chế hành tím của tỉnh Sóc Trăng giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương trong mùa thu hoạch.

Vụ hành tím này, nông dân huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng phấn khởi vì trúng mùa, được giá. Nhiều nông dân trồng hành cho biết, giá một ký hành tím hiện gần hai chục ngàn, còn năm trước, chất đống ngoài sân, giá chỉ khoảng sáu ngàn mà không ai đến mua!...

Ông Thạch Huỳnh Ni, xã Vĩnh Phước, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng có 1 công đất rẫy trồng hành. Vụ hành trước, ông Ni thu hoạch hơn 1,5 tấn hành tím nhưng bán chưa được 10 triệu đồng, trừ các chi phí, ông còn lời chưa tới 3 triệu đồng. Còn năm nay, dù thời tiết không thuận lợi, chỉ thu hoạch được khoảng 1 tấn hành thôi, nhưng ông Ni cho biết đã có thương lái đến đặt mua với giá 18.000 đồng/kg. Ông Ni nói: “Với giá này, tôi có lời gấp 3 lần năm trước”... Niềm vui của gia đình ông Ni cũng là niềm vui chung của hầu hết người trồng hành tím ở huyện Vĩnh Châu.

Vĩnh Châu là địa phương có diện tích trồng hành lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng, tập trung nhiều ở các xã, như: Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, thị trấn Vĩnh Châu... Vụ trồng hành tím ở đây bắt đầu vào khoảng đầu tháng 11 âm lịch hằng năm, thời gian kéo dài từ 60-70 ngày. Vụ hành tím năm 2010, nông dân huyện Vĩnh Châu xuống giống được trên 5.400ha. Sau Tết Nguyên đán 2011, nông dân vào chính vụ thu hoạch. Không trúng mùa như những năm trước, nhưng không khí thu hoạch tràn ngập niềm vui, bởi giá hành tím thương phẩm cao ngất ngưỡng. Tính đến giữa tháng 2-2011, nông dân trồng hành tím huyện Vĩnh Châu đã thu hoạch gần 1/3 diện tích, năng suất trung bình khoảng 15 tấn/ha. Ông Lê Minh Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Châu, cho biết: “Năng suất tuy thấp hơn so với vụ trồng hành năm trước, nhưng giá hành thương phẩm từ 15.000-20.000 đồng/kg, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ nên nông dân trồng hành ai cũng có lời bình quân từ 120-150 triệu đồng/ha”...

Vụ thu hoạch hành tím năm nay, lao động nhàn rỗi ở Vĩnh Châu và một số vùng lân cận cũng có cơ hội tìm được việc làm trong thời gian giáp hạt. Trên địa bàn Vĩnh Châu hiện có vài chục cơ sở thu mua, sơ chế hành tím thương phẩm cỡ lớn, vừa và nhỏ. Mỗi cơ sở cần vài chục đến trên 100 lao động thời vụ để làm một số công đoạn sơ chế sau thu hoạch trước khi chuyển lên TP Hồ Chí Minh. Người trồng hành tím ở huyện Vĩnh Châu một thời gian nan tìm giải pháp để duy trì và phát triển hành tím, thất bại rồi thành công, trúng mùa thì rớt giá và ngược lại... Huyện Vĩnh Châu có gần 40.000ha đất sản xuất. Từ năm 2000, Đảng ủy, UBND huyện đã có chủ trương cho chuyển đổi đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng màu, cây ăn trái... Theo đó, trên 8.000ha đất sản xuất của huyện chuyển sang canh tác rau màu. Những năm đầu sau chuyển đổi sản xuất, nông dân huyện này lúng túng trong việc chọn giống cây trồng phù hợp nên chưa phát huy được lợi thế, hiệu quả kinh tế thấp. Sau nhiều năm nghiên cứu, ngành chức năng huyện xác định hành tím phù hợp với vùng đất giồng cát ven biển này nên khuyến cáo nông dân thực hiện. Từ năm 2007 đến nay, mô hình chuyên canh hành tím mới thật sự phát huy được hiệu quả.

Hành tím Vĩnh Châu rất được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt là một số nước ở khu vực châu Á, như: Indonesia, Ấn Độ, Philippines, Malaysia... Ông Hứa Sĩ Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Châu, cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo phòng chuyên môn của huyện tăng cường hơn nữa công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Đặc biệt là với những hộ chuyên canh rau màu, trồng hành, thí điểm nhiều hơn nữa những mô hình sản xuất, canh tác theo hướng an toàn sinh học, nhằm nâng cao năng suất, giá trị mặt hàng này trên thị trường, tăng thu nhập cho nông dân”...

Bài, ảnh: Hữu Tùng

Chia sẻ bài viết